Ngày 29/7/2015, Microsoft sẽ chính thức phát hành Windows 10. Có nhiều lý do để tin rằng Windows 10 sẽ là hệ điều hành thành công, có khả năng thay đổi cục diện thị trường công nghệ. Với Windows 10, Microsoft đang dồn sức thực hiện chiến lược "bao vây".Vào năm 2012, nhà bình luận Geoff Duncan từng dự đoán hệ điều hành Windows 8 sắp phát hành sẽ không thành công: "Người dùng Windows từ lâu truyền tụng rằng các hệ điều hành Windows tốt và không tốt nối tiếp nhau xen kẽ. Trong khi Windows 98 được đón nhận nồng nhiệt, Windows Me thì không. Trong khi Windows XP trở thành chuẩn của PC trong cả thập niên, Windows Vista lại bị... ghét bỏ. Trong khi Windows 7 đang tạo dựng thành công vững chắc cho Microsoft, Windows 8 sẽ trở thành... Vista mới?".Dự đoán về Windows 8 đã thành hiện thực. Điều này cũng có nghĩa là Windows 10, phiên bản tiếp theo của Windows 8, sẽ thành công? Đối với Microsoft, mỗi phiên bản Windows "đời mới" bao giờ cũng là sự kiện lớn, mang kỳ vọng lớn. Nhưng có lẽ Windows 10 là niềm kỳ vọng lớn chưa từng có, quyết định tương lai của Microsoft. Đối với Microsoft, Windows 10 phải thành công, hơn nữa, phải thành công nhanh chóng, không thể khác! Với Windows 8, Microsoft đã hối hả bước vào thị trường máy tính bảng. Vào năm 2012, trào lưu máy tính bảng mạnh đến mức rất nhiều người cho rằng máy tính bảng là hình ảnh của tương lai. Chỉ cần gắn thêm bàn phím, máy tính bảng có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu của người dùng. Do vậy, Windows 8 được tối ưu hóa cho màn hình cảm ứng. Lúc ấy, những lời phàn nàn của người dùng Windows 8 trên máy tính thường (không có màn hình cảm ứng) chỉ được xem là hiện tượng có tính giai đoạn, sẽ mau chóng qua đi, giống như người quen thuộc với hệ điều hành DOS ngày trước đã từng ngán ngại giao diện Windows mới mẻ. Dường như chắc chắn sẽ đến lúc mọi máy tính đều dùng màn hình cảm ứng. Sau vài năm, thực tế cho thấy thị trường máy tính bảng dần dần chững lại, máy tính thường vẫn là thiết bị quan trọng. Phần lớn người dùng máy tính thường vẫn không thích Windows 8: không thích sự bất tiện của Windows 8 khi dùng chuột, không thích sự lãng phí không gian màn hình trong những ứng dụng đặc trưng của Windows 8. Windows 8/8.1 vẫn không giúp cải thiện thị phần của Windows Phone 8/8.1 (hệ điều hành cho điện thoại có cùng giao diện như Windows 8/8.1). Theo thời gian, thị phần nhỏ của Windows 8/8.1 lại hao mòn, trong khi thị phần của Window 7 tăng lên (theo trang mạng NetMarketShare). Với Windows 10, Microsoft đã có những bước đi thận trọng. Thông qua chương trình Windows Insider, Microsoft thực sự lắng nghe ý kiến của người dùng trong việc phát triển chức năng và giao diện của Windows 10. Microsoft đặt mục tiêu: đến năm 2017, Windows 10 sẽ hiện diện trên một tỉ thiết bị. Đó là mục tiêu đầy tham vọng. Trong hiện tại, có khoảng 1,5 tỉ máy tính cá nhân dùng hệ điều hành Windows (tính gộp mọi phiên bản). Microsoft kỳ vọng mức độ thành công của Windows 10 sẽ vượt qua thành tích của Windows 7. Windows 10 trên máy tính Surface Pro 3. Tham vọng của Microsoft có cơ sở nhất định. Khác với những phiên bản trước, Windows 10 là hệ điều hành cho mọi thiết bị, từ thiết bị có màn hình lớn đến thiết bị có màn hình thật bé hoặc không có màn hình. Thực chất, Windows 10 có nhiều phiên bản, khác nhau ở chức năng và giao diện nhằm thích nghi với từng loại thiết bị. Tên gọi chung Windows 10 thể hiện cấu trúc nhất quán của mọi phiên bản, thuận tiện cho việc chuyển đổi ứng dụng từ loại thiết bị này qua loại thiết bị khác. Bản thân Windows 10 trên một loại thiết bị cũng có khả năng chuyển đổi nhất định để có chức năng và giao diện thích nghi với trường hợp sử dụng khác nhau. Nếu máy tính bảng được gắn bàn phím, Windows 10 tự động chuyển đổi qua giao diện "cổ điển" như trên máy tính thường. Giao diện tự động chuyển đổi ngược lại khi tháo bàn phím khỏi màn hình cảm ứng của máy tính bảng. Windows 10 dùng cho điện thoại được đặt tên là Windows 10 Mobile (dường như Microsoft muốn "đoạn tuyệt" với tên gọi Windows Phone và gợi nhớ thành công nhất định của Windows Mobile trước đó?). Tại hội thảo BUILD 2015, Microsoft khẳng định những ứng dụng trên hệ điều hành Android và iOS (dùng cho iPhone/iPad) đều có thể chuyển đổi dễ dàng thành ứng dụng trên Windows 10. Windows 10 còn có những phiên bản thích hợp với trào lưu Internet của vật dụng (Internet of Things) và trào lưu Thực tại ảo (Virtual Reality). Nếu Microsoft thực hiện tốt sự liền lạc (continuum) giữa các thiết bị Windows 10 như đã quảng cáo, chẳng hạn tương tác dễ dàng giữa máy tính dùng Windows 10 và những thiết bị khác dùng Windows 10, vị trí của Microsoft trên thị trường di động sẽ khác hẳn. Trên máy tính thường, Windows hiện chiếm thị phần trên 91%. Với Windows 10, Microsoft quyết tâm nắm chắc thị trường quen thuộc trước khi chinh phục những thiết bị khác. Các phiên bản Windows 10 dùng cho máy tính thường và máy tính bảng được phát hành trước tiên vào ngày 29/7/2015, những phiên bản Windows 10 dùng cho các thiết bị khác sẽ lần lượt được phát hành sau. Người dùng Windows 7/8/8.1 được phép nâng cấp miễn phí lên Windows 10 trong một năm đầu. Theo thăm dò của công ty SpiceWorks, có khoảng 75% doanh nghiệp toàn cầu tỏ ý sẵn sàng nâng cấp hệ thống lên Windows 10 (so với 18% trước lúc phát hành Windows . Trong số đó, có 60% doanh nghiệp đã từng thử nghiệm Windows 10. Do vậy, sự kiện Windows 10 mau chóng có được thị phần đáng kể, được thị trường chấp nhận nhanh nhất trong lịch sử Windows, là điều dễ hình dung. Các nhà sản xuất máy tính cũng tỏ ra sẵn sàng đưa ra thị trường loạt máy tính mới, tương thích với những chức năng mới của Windows 10, chẳng hạn chức năng Windows Hello nhằm nhận dạng người dùng bằng vân tay, tròng mắt hoặc diện mạo. Từ ý kiến của người dùng, Windows 10 khắc phục hầu hết những điểm yếu của Windows 8 đồng thời giữ lại những nét tích cực của Windows 8. Windows 10 có lại trình đơn khởi động như mong muốn của phần lớn người dùng, nhưng không hoàn toàn giống trình đơn khởi động của Windows 7. Trên trình đơn khởi động của Windows 10 có những ô sống động với thông tin được cập nhật thường xuyên từ một số ứng dụng, có vai trò giống như màn hình khởi động của Windows 8. Windows 10 có nhiều chi tiết bóng bẩy hơn dù vẫn giữ phong cách thiết kế phẳng như Windows 8 trong tổng thể. Trình đơn khởi động của Windows 10 (phiên bản thử nghiệm Build 10074). Trong Windows 10, ô tìm kiếm Ask me anything bên cạnh nút bấm khởi động Start có chức năng giống như ô tìm kiếm Google, giúp người dùng đặt câu hỏi bất kỳ, thuộc mọi lĩnh vực (tin tức, thời tiết, lịch sử, khoa học,...), cho "trợ lý thông minh" Cortana. Chẳng hạn, ngay sau khi gõ "56 feet" trong ô tìm kiếm, người dùng biết ngay số đo như vậy tương ứng với 17,1m. Cortana chỉ là một trong nhiều mối liên kết chặt chẽ giữa thiết bị Windows 10 với hệ thống dịch vụ của Microsoft. Trong thư gửi nhân viên nhân dịp chuẩn bị phát hành Windows 10, Satya Nadella - giám đốc điều hành Microsoft - nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống dịch vụ phía sau Windows 10: "Chúng ta nhận thức sứ mạng và chiến lược của chúng ta bằng cách đầu tư cho ba tham vọng lớn có liên quan chặt chẽ với nhau: 1) Đổi mới quy trình hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức 2) Xây dựng nền tảng dịch vụ mạng thông minh 3) Tạo ra tính cá nhân cao hơn cho người dùng thiết bị". Qua lá thư dài với lời lẽ văn hoa, trừu tượng của Nadella, người đọc dù sao cũng thấy được quyết tâm của Microsoft trong việc ưu tiên xác lập Windows 10 như nền tảng công nghệ cho hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức. Chiếm lĩnh được thời gian làm việc của người dùng tại công sở nghĩa là Windows 10 đồng hành cùng người dùng trong phần lớn thời gian của cuộc sống. Nhờ vậy, Windows 10 giúp Microsoft chinh phục người dùng trong hoạt động riêng tư tại những nơi khác, trong lĩnh vực khác. Với Windows 10, Microsoft như đang giăng một tấm lưới cực lớn. NGỌC GIAO http://echip.com.vn/windows-10-cuoc-bao-vay-cua-microsoft-a20150714104550378-c1107.html | ||