| - Spoiler:
Chương 6
Anh Vũ về.
Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nghe tiếng xe anh dừng trước cửa, Quý ròm vẫn thấy trong bụng mình giật thon thót. Nó ngồi im trong phòng, vờ đọc sách.
Quý ròm nghe tiếng chân anh bước ngang qua cửa phòng mình. Rồi tiếng động lịch kịch ở phòng bên cạnh. Một lát, tiếng chân anh Vũ bước ra nhà sau. Quý ròm mỉm cười: Chắc là anh đang đói bụng!
Nhưng nụ cười vừa vẽ ra trên môi Quý ròm chợt tắt ngấm. Nó sực nhớ giờ này bà đang giặt tấm drap liền than thầm một tiếng và co giò chạy xuống bếp.
Quả nhiên, vừa bước tới ngách cửa, Quý ròm đã nghe tiếng anh Vũ thắc mắc:
- Bà ơi, tấm drap của cháu mới vừa giặt hôm qua đây mà!
Quý ròm nhìn qua khe cửa, thấy bà thủng thỉnh ngước lên, tay vẫn cầm bàn chải:
- Ừ, nhưng hôm nay nó đã khác rồi cháu ạ!
Ðang lo lắng, Quý ròm cũng phải cố nén để khỏi phì cười khi thấy bà bắt chước thứ "ngôn ngữ bí hiểm" của nó.
- Khác là sao hở bà? - Anh Vũ ngơ ngác.
- Khác nghĩ là nó đã bị cháy mất một tẹo cháu ạ! - Bà đáp, cố làm ra vẻ thản nhiên.
- Cháy ư? - Anh Vũ lộ vẻ hốt hoảng - Ðâu, bà đưa cháu xem thử nào?
Bà xoay xoay tấm drap trong tay rồi bình tĩnh chìa chỗ thủng ra:
- Cháu xem đây này! Dù sao nó cũng chỉ cháy có một chút xíu thôi mà!
- Nhưng làm sao nó lại có thể cháy được?
- Có gì đâu! - Bà tặc lưỡi - Bà đem tấm drap đi ủi rồi đãng trí để chiếc bàn ủi nằm lì một chỗ, thế là chẳng mấy chốc bà nghe có mùi khét...
Quý ròm đứng lấp ló sau kẹt cửa, phập phồng theo dõi cuộc đối đáp. Ðến khi nghe bà nhận tội thay mình, nó áp tay lên ngực và nhè nhẹ thở ra.
Nhưng anh Vũ đã làm nó cụt hứng. Anh nói, giọng chế giễu:
- Bà ơi, bà quên mất một điều là chẳng ai lại đi ủi một tấm drap đã được bọc vào nệm bao giờ!
Câu bắt bẻ bất ngờ của anh Vũ làm bà ngớ người ra. Cả Quý ròm cũng chưng hửng. Ừ nhỉ, người ta chỉ ủi những thứ vừa lấy từ dây phơi vào thôi! Có thế mà bà và nó cũng chẳng nghĩ ra!
- Thế nào hở bà, cháu nói có đúng không? - Anh Vũ tiếp tục trêu bà.
- Ðúng cái tổ mẹ mày! - Bà sầm mặt, cáu kỉnh vì bất lực.
- Bà đừng nổi cáu với cháu làm gì! - Anh Vũ mỉm cười - Ðằng nào cháu cũng biết tấm drap này không phải do bà làm cháy kia mà!
- Chính bà làm cháy đó cháu ơi! - Bà kêu lên một cách tuyệt vọng.
Tiếng kêu đầy xúc cảm của bà khiến anh Vũ khựng lại. Anh không tìm cách ghẹo bà nữa, mà gật đầu hạ giọng:
- Thôi được, thế thì cứ coi như chính bà làm cháy vậy!
Nói xong, anh lững thững quay mình bỏ lên nhà trên.
Vừa thấy anh dợm bước, Quý ròm đã nhón gót lao vụt về phòng. Nó vừa cầm lên cuốn sách, chưa kịp ngồi yên chỗ, anh Vũ đã bước vào.
Quý ròm không dám ngẩng mặt lên. Nó chúi đầu vào trang sách đặc nghẹt chữ, chả trông thấy gì.
- À, lại một phương pháp đọc sách mới! - Tiếng anh Vũ vang lên sát bên tai, đầy nhạo báng.
Quý ròm gồng mình ngồi im, cố đoán xem cái ý nghĩa gây hấn trong câu nói nằm ở đâu.
Anh Vũ lại cười:
- A ha, thế ra con người ta có thể xoay ngược cuốn sách lại mà đọc đấy!
Quý ròm cảm thấy đầu mình căng thẳng. Nó vẫn chẳng hiểu anh Vũ định nói gì. Mãi một lúc, sau vài lần chớp chớp mắt, nó mới tẽn tò phát giác ra nó đang cầm ngược cuốn sách.
- Em cố tình xem ngược chứ bộ! - Quý ròm lúng túng chữa thẹn.
Giọng anh Vũ thản nhiên:
- Chẳng lẽ sau khi làm cháy một cái gì đó người ta cứ phải đọc sách ngược hay sao?
- Cháy cái gì kia? - Quý ròm vờ kinh ngạc.
- Dĩ nhiên là cháy tấm drap trắng! - Anh Vũ nhún vai - Anh không nghĩ là em còn làm cháy thêm một cái gì khác nữa! Câu nói của anh Vũ rõ ràng là có ý bắt thóp, Quý ròm nghĩ, nhưng mình nhất quyết không để bị sập bẫy! Nó định ngoác mồm phản đổi, thậm chí nó còn định gào lên thảm thiết ra vẻ ta đây vô cùng oan ức, nhưng đến phút chót nó bỗng ngần ngừ. Lu loa an vạ theo kiểu đó có cái gì không tự nhiên và nhất là không hợp với tính cách của Quý ròm. Tất nhiên Quý ròm rất muốn chạy tội, nhưng chối đây đẩy trước một sự việc đã rõ mười mươi là điều nó không làm được.
Vả lại trong chuyện này, Quý ròm không muốn trút gánh nặng lên vai bà. Xưa nay, bà vẫn bao che cho Quý ròm. Nói chung lần nào cũng trót lọt. Duy có lần này, bà đã nói dối một cách khổ sở, lại còn bị anh Vũ trêu, thật tội cho bà quá!
Ðấu tranh tư tưởng một hồi, Quý ròm đành buông một tiếng thở dài thườn thược:
- Ðúng là em chỉ làm cháy mỗi tấm drap của anh thôi!
- Hay lắm! Cuối cùng thì em cũng tỏ ra là một con người dũng cảm!
Anh Vũ nói, không rõ thật lòng hay giễu cợt. Rồi anh hỏi, mắt nhìn đăm đăm vào mặt Quý ròm khiến nó cảm thấy nóng cả người lên:
- Nhưng làm sao em có thể làm cháy một tấm drap đang ở trên giường được?
Quý ròm khịt khịt mũi, bao giờ lúng túng nó cũng khịt khịt mũi:
- Em ấy à! - Nó chẳng tỏ ra vội vàng, không phải vì thích sự khoan thai mà chính là cố tình nấn ná để có thể sắp xếp những ý nghĩ thoắt hiện ra trong đầu - Em đánh rơi một cái gì đó trên giường của anh. Một cái gì nhỉ? À, em nhớ rồi, một chiếc đinh ốc! Em đánh rơi một chiếc đinh ốc, và em tìm mãi không ra. Thế là em đành phải đánh diêm lên...
- Ðoạn sau thế là quá rõ! - Anh Vũ đột nhiên cắt ngang - Que diêm tuột tay rơi xuống giường và tấm drap buộc phải bén lửa, như không còn cách nào khác, đúng không?
- Thì anh cũng đoán ra rồi đấy! - Quý ròm xuôi xị - Vấn đề ở đây là lỡ tay...
- Sai rồi! - Anh Vũ phản đối, vẻ như bất đắc dĩ - Vấn đề không phải ở chỗ lỡ tay, mà ở chỗ tại sao em lấy giấy kính mờ bao hết các bóng đèn lại để căn phòng trở nên tối đến mức phải đánh diêm lên!
Quý ròm thốt nhiên rùng mình như có một làn gió lạnh thổi qua. Nó nhìn lên các bóng đèn, mặt đực ra. Lúc này, đang vội vội vàng vàng, nó chỉ lo "phi tang" dưới đất, quên béng mất những "tang vật" trên cao.
- Ờ nhỉ, - Quý ròm tìm cách phá tan sự ngờ vực, nó nói mà miệng méo xệch - Em cũng chả rõ em bọc các bóng đèn này lại từ bao giờ!
- Có gì mà rõ với chả rõ! - Anh Vũ nheo nheo mắt - Em chỉ mới bọc lại sáng nay thôi, lúc em làm trò ảo thuật ấy! Bao giờ làm trò ảo thuật mà người ta chả cần một khung cảnh mờ mờ!
Quý ròm bất giác thót bụng lại như tránh một lưỡi gươm vô hình. Nó cố nặn một vẻ mặt ngây thơ:
- Anh bảo trò ảo thuật nào kia?
Anh Vũ cười tươi như hoa:
- Em thật là chóng quên! Sáng nay ảo thuật gia Elvis Quý đến trình diễn ngay tại nhà ta, lại bán vé tới những hai ngàn đồng, chẳng lẽ em không nhớ một tí gì?
Suýt chút nữa thì Quý ròm đã té lăn quay ra đất. Nó chẳng hiểu bằng cách nào anh Vũ lại biết vanh vách những hành động của nó như thế. Chẳng lẽ bọn nhóc trong xóm tự nhiên lại phát khùng đến mức chặn anh lại dọc đường và kể hết mọi chuyện với anh?
- Ðừng có mà trố mắt ra như thế! - Anh Vũ chậm rãi lên tiếng - Anh chả có tài phép gì đâu! Chỉ nhờ đọc tờ quảng cáo dán trước cổng, anh mới biết được sáng nay em làm gì thôi!
- Thôi rồi! - Quý ròm than trời trong bụng - Hóa ra mọi sự sở dĩ hỏng bét bè be là do cái tờ giấy khốn kiếp này! Tự nhiên nó cảm thấy tay chân xụi lơ, y như sắp chết. Càng ngẫm nghĩ nó càng giận cái thói đểnh đoảng của mình kinh khủng. Nó giận lây cả Tiểu Long. Quỷ tha ma bắt cái thằng to xác này đi, lúc nãy ra về chỉ cần giơ tay ra một cái là bóc được ngay tờ áp-phích quảng cáo trước cổng, vậy mà nó cũng chẳng chịu nhớ ra cho!
- Như vậy là không phải em đánh rớt diêm xuống giường nữa chứ? - Anh Vũ hỏi, giọng đã thôi cười cợt.
Quý ròm không trả lời. Nó mím chặt môi, ngồi chết cứng trên ghế.
- Nghĩa là em đã tự tiện lấy tấm drap của anh để phục vụ cho những trò "thí nghiệm khoa học" dở hơi của em? - Giọng anh Vũ mỗi lúc một nghiêm khắc.
Quý ròm vẫn im lặng. Nó muốn nói một cái gì đó cho đỡ nặng nề nhưng chẳng biết phải mở miệng như thế nào. Ðằng nào thì nó cũng sai quấy đứt đuôi đi rồi!
Anh Vũ hỏi nó bằng giọng của một quan tòa:
- Em có nhớ anh nói là anh sẽ làm gì nếu em còn phá hỏng đồ đạc của anh một lần nữa không?
- Nhớ! - Quý ròm khẽ cực mình trên ghế.
- Anh sẽ làm gì?
Quý ròm nuốt nước bọt:
- Vứt tất cả những đồ lốc cốc leng keng của em xuống hố rác!
Khi nói đến bốn chữ "lốc cốc leng keng" mà anh Vũ thường dùng để chỉ các dụng cụ thân yêu của nó, Quý ròm tự nhiên cảm thấy cay cay nơi mũi và nó phải cố kiềm chế để không phát ra tiếng khụt khịt.
Anh Vũ vẫn chẳng tỏ vẻ gì động lòng. Anh trầm giọng:
- Thế nếu bây giờ anh thực hiện những lời anh nói thì sao?
Thoạt đầu, Quý ròm định tỏ thái độ anh hùng. Nó định đáp "Anh cứ việc!" nhưng chợt nhớ trong đống dụng cụ của mình có cả hai chai bầu mới mượn của phòng thí nghiệm nhà trường, nó đâm chột dạ. Nếu để cho anh Vũ vứt tất cả đi thì biết nói sao với cô Kim Anh dạy hóa học, người đỡ đầu cho nó trong những vụ "thí nghiệm khoa học" như thế này. Thật là khó xử!
Nhìn vẻ lưỡng lự của Quý ròm, anh Vũ khẽ nhếch môi:
- Thôi được, nếu em không biết phải trả lời như thế nào thì anh sẽ thôi không vứt đồ của em nữa!
Quý ròm chưa kịp thở phào, anh Vũ đã nói tiếp:
- Nhưng với một điều kiện!
- Ðiều kiện gì? - Quý ròm hoang mang hỏi.
- Em phải chép hai mươi lần câu "Tôi không bao giờ lấy đồ của người khác để phục vụ cho những trò nhảm nhí của tôi nữa!"
Câu nói của anh Vũ làm Quý ròm nóng ran cả ngực. Ðã từng nhiều lần làm hỏng đồ đạc của anh, nay buộc phải hứa "không bao giờ lấy đồ của người khác", nó chẳng có gì phải phàn nàn. Ðiều đó dù sao cũng hợp lẽ công bằng. Nó chỉ tự ái chuyện anh Vũ dùng các từ "dở hơi" và "nhảm nhí" để chỉ những "thí nghiệm khoa học" của nó. Không, đó không phải là trò dở hơi hay nhảm nhí như anh Vũ nghĩ, cũng không phải là trò nghịch phá như bà vẫn mắng! Ðó là những trò chơi nghiêm túc! Quý ròm muốn kêu lên nhưng ngực nó cứ tức nghẹn như thể bị ai bóp chặt.
- Em không cần phải quyết định ngay bây giờ! - Tiếng anh Vũ nghe xa xăm như vọng lại đằng sau bức vách - Em có thể suy nghĩ trong vòng hai ngày. Tới ngày thứ ba em nộp những câu chép phạt cho anh!
Nói xong, anh Vũ quay mình bỏ đi, mặc Quý ròm sững người trên ghế thẫn thờ đưa mắt trông theo.
Chương 7
Anh Vũ chưa ra tới cửa phòng thì ba bất ngờ bước vào.
Khi nãy, mải lo đối phó với đòn trừng phạt của anh Vũ, Quý ròm không nghe tiếng xe của ba, nên khi ba thình lình xuất hiện, nó hơi hốt, nhất là nó nhìn thấy ba đang cầm tờ áp-phích quảng cáo của nó trên tay. Quý ròm phải ngồi thẳng người lên và mím môi hít một hơi rõ dài để trấn tĩnh.
Ba ve vẩy tờ quảng cáo trước mặt, cười cười:
- Tuyệt lắm! Biến nước thành lửa, lấy máu vẽ tranh, thật không thể nào tin được! Lại bán với giá bình dân nữa đấy! Quý ròm nhìn lom lom tờ quảng cáo trên tay ba, vẻ cảnh giác. Nó chưa rõ thái độ của ba nên vẫn ngồi im, án binh bất động. Tuy nhiên so với anh Vũ, ba dễ chịu hơn nhiều. Xưa nay, ba chưa bao giờ lên tiếng phê phán nó. Có vẻ như ba sẵn sàng tin những "hoạt động khoa học" của nó là những việc làm bổ ích.
Ba vẫn vui vẻ:
- Làm gì mà ngồi trơ như phỗng thế kia! Thế nào, buổi biểu diễn có thành công không?
Quý ròm liếc mắt về phía anh Vũ, khẽ hắng giọng:
- Dạ, thành công... hừm... tất nhiên... nếu như...
- Cái gì mà "tất nhiên", "nếu như" loạn cào cào lên như thế! Nếu thành công thì có nghĩa là không thất bại chứ?
Quý ròm chưa kịp trả lời thì anh Vũ đã nhìn lên trần nhà, nói bâng quơ:
- Nếu như que diêm không thình lình phát hỏa!
- Phát hỏa à? - Ba hỏi, rồi đảo mắt nhìn quanh phòng một lượt, ba lại tặc tặc lưỡi - Cũng chả sao! Nói chung là chưa đến nỗi nào! Làm trò ảo thuật tất nhiên phải có khói lửa, chỉ có điều phải thật cẩn thận mới được!
Nói xong, ba bước lại đặt tờ quảng cáo xuống trước mặt Quý ròm, nheo mắt bảo:
- Nhưng lần sau có muốn biểu diễn bán vé thì phải hỏi qua ý kiến ba mẹ! Ba nghĩ con chả cần tiền đến mức phải hành động như vậy!
Quý ròm gãi gãi đầu định lên tiếng giải thích thì ba đã bước ra khỏi phòng. Cũng may là ba chưa biết chuyện mình làm cháy tấm drap! Quý ròm tự an ủi và lại nhìn về phía anh Vũ.
Bắt gặp ánh mắt của nó, anh Vũ khẽ nhún vai:
- Hai ngày nữa! Nhớ đấy!
Rồi không để Quý ròm kịp phản ứng, anh cũng bỏ ra nốt.
Trưa đó, Quý ròm ăn cơm một cách uể oải. Câu chép phạt anh Vũ đưa ra khiến lòng nó nặng trĩu. Bắt một "nhà khoa học" như nó gọi những cuộc thí nghiệm của mình là nhảm nhí cũng chẳng khác nào bắt người công nhân chê bai nhà máy hoặc buộc người nông dân dè bỉu ruộng đồng, thật khó mà làm được! Anh Vũ cho nó một hạn định hai ngày, nhưng nó biết dù thời gian đó kéo dài gấp mười lần, nó cũng chẳng thế nào đi đến một quyết định dứt khoát được. Thấy Quý ròm nhai cơm rệu rạo, biếng nhác khác hẳn thường ngày, mẹ lộ vẻ lo âu:
- Con làm sao thế? Ốm à?
- Dạ, không ạ! - Quý ròm lắc đầu.
Mẹ nhíu mày:
- Hay là hôm nay mẹ không nêm bột ngọt vào thức ăn nên con thấy nhạt miệng?
Quý ròm vẫn lắc đầu.
Nhưng ba thì gật đầu lia:
- Ờ, ờ, đúng đấy! Hèn gì anh có cảm giác món canh hôm nay nhạt nhạt thế nào! Hóa ra là em quên bỏ bột ngọt!
- Không phải là quên! - Mẹ cười - Mấy hôm nay thấy báo đài bảo bột ngọt là chất độc hại nên em cố ý không dùng đó thôi!
- Ðộc hại ư? - Ba húp một muỗng canh - Thế bột ngọt làm bằng chất gì mà ghê gớm thế?
- Em cũng chả nhớ! - Mẹ lúng túng - Em chỉ nghe người ta bảo thế thôi!
- Ðó là chất natri glutamat! - Quý ròm vọt miệng - Trước kia người ta lấy chất này từ đậu xanh, bột mì, đậu phộng khô, bây giờ người ta tổng hợp nó bằng cách lên men vi sinh vật!
- Thế nó độc hại lắm hay sao? - Ba nhìn Quý ròm, hỏi bằng giọng tin cậy.
- Con cũng chả rõ! Một số nhà khoa học cho rằng bột ngọt gây tổn thương não, làm giảm bạch cầu và tỉ lệ huyết sắc tố nhưng đến nay vẫn chưa có một kết luận chính thức nào!
Ba gật gù:
- Ừ, chứ nếu đã biết chắc là nó độc hại thì trên thế giới chả ai cho sản xuất bột ngọt làm gì! - Rồi ba quay sang mẹ, vui vẻ nháy mắt - Vậy ngày mai nhà ta tiếp tục dùng bột ngọt chứ?
Mẹ rụt cổ:
- Em vẫn thấy sờ sợ thế nào!
Bà nói:
- Dùng bột ngọt quen miệng rồi, bây giờ không có nó, cứ thấy món nao cũng nhạt thếch!
- Nếu dùng in ít thì được! - Quý ròm hắng giọng, cố làm ra vẻ chững chạc - Tổ chức Y tế Thế giới vẫn chưa có ý kiến dứt khoát về chuyện này, chỉ khuyến cáo là không nên lạm dụng, đặc biệt không nên dùng để nêm thức ăn cho trẻ em và phụ nữ đang mang thai.
Ba tặc tặc lưỡi:
- Thế thì ta cứ dùng, nhưng dùng in ít thôi! Mỗi khi ướp thịt, ta chỉ cần thêm một tí bột ngọt...
- Không được đâu, ba ơi! - Quý ròm vội vã lên tiếng - Mỗi khi ướp thịt, mẹ thường bỏ đường. Mà bột ngọt thì kỵ đường. Bột ngọt gặp đường sẽ tạo ra chất melanoidine, ăn vào khó tiêu lắm!
Ba ngẩn người ra:
- Thế thì biết nêm bột ngọt vào đâu?
Quý ròm bật cười:
- Thì nêm vào muỗng canh trên tay ba ấy!
Ba đưa muỗng canh lên miệng nhấm nháp, rồi cũng cười:
- Ừ nhỉ, phải nêm vào canh thôi!
Anh Vũ và nhỏ Diệp không tham gia vào cuộc tranh luận về đề tài bột ngọt. Nhỏ Diệp mải say sưa tấn công đĩa thịt rán nên thờ ơ với mọi chuyện chung quanh. Anh Vũ lặng lẽ nhai cơm, nghe không sót một lời nhưng chả tỏ thái độ gì. Mỗi lần liếc về phía anh, Quý ròm đều bắt gặp anh đang nhìn lại mình, ánh mắt có chiều khác lạ. Anh đang nghĩ gì nhỉ, Quý ròm tự hỏi, chả hiểu anh có xem những điều mình nói là nhảm nhí hay không!
Ăn trưa xong, Quý ròm không vào phòng ngủ như thường lệ. Nó không muốn "đụng đầu" anh Vũ trong lúc này. Hơn nữa, nó cũng đang muốn ở một mình.
Quý ròm lẻn vào phòng học, khép hờ cửa lại. Rồi lôi hai chai bầu trên giá xuống để trước mặt, nó trầm ngâm tính kế. Nếu gặp lúc bình thường, hai ngày là khoảng thời gian quá đủ để Quý ròm đem hai chai bầu này trả lại cho phòng thí nghiệm nhà trường. Kẹt một nỗi, hiện nay trường nó đang đóng cửa chờ nhà máy bên cạnh dời đi.
Nó cũng nghĩ đến chuyện gửi tạm hai chai bầu ở nhà Tiểu Long. Biện pháp này có thể thực hiện dễ dàng bất cứ lúc nào nhưng lại có nguy cơ mất sạch hết "oai phong". Trong mắt Tiểu Long, Quý ròm trước nay vẫn là một "siêu nhân" trong lãnh vực học tập lẫn "nghiên cứu khoa học". Mà một siêu nhân thì không thể đem đồ nghề của mình trốn chui trốn nhủi như phường đạo tặc được.
Trong lớp, ngoài Tiểu Long, Quý ròm còn chơi thân với nhỏ Hạnh cận nữa. Nhỏ Hạnh đọc sách đến mờ mắt, nhớ đủ chuyện trên trời dưới đất, được bạn bè mệnh danh là "nhà thông thái", thậm chí có đứa còn gọi nó là "bộ từ điển biết đi". Nhỏ Hạnh cũng là đứa chuyên môn lật tẩy những trò ảo thuật của Quý ròm. Nó nhớ vanh vách những nguyên tắc vật lý cũng như những phản ứng hóa học đã đọc được trong sách, chẳng có mẹo vặt nào của Quý ròm qua được mắt nó. Chỉ có điều là chúa nhát gan, nhỏ Hạnh chẳng bao giờ dám tự tay thực hành những hiểu biết của mình như Quý ròm.
Nghĩ đến nhỏ Hạnh, Quý ròm nhớ ngay đến thói quen vỗ vỗ trán và cứ chốc chốc lại đẩy gọng kiếng trên sống mũi của nó, liềm mỉm cười một mình. Ở lớp, nhỏ Hạnh học giỏi đều các môn chứ không chỉ nghiêng về các môn khoa học tự nhiên như Quý ròm nên luôn luôn đứng đầu trong bảo xếp hạng.
Tất nhiên nhỏ Hạnh chẳng bao giờ coi Quý ròm là "siêu nhân". Chính vì vậy, nếu bây giờ đem hai chai bầu đến nhờ nhỏ Hạnh giữ giùm, Quý ròm chẳng sợ "uy tín" của mình bị sụp đổ. Nó có thể thú thật hết mọi chuyện với nhỏ Hạnh và chắc chắn nhỏ Hạnh sẽ thừa thông minh để hiểu thấu và thông cảm với những khó khăn của nó.
Nhưng nhỏ Hạnh lại là chúa vụng về. Chính điều này làm Quý ròm lưỡng lự. Nhỏ Hạnh mà rửa chén dứt khoát là đập vỡ chén, rửa ly là đập vỡ ly, đố mà tránh khỏi. Ðến nhà nhỏ Hạnh chơi, lần nào Quý ròm cũng nghe bạn mình bị mẹ mắng về tội làm rơi vỡ đồ đạc như thể không làm hỏng một cái gì đó thì nó không phải là nó vậy. Giao các dụng cụ bằng thủy tinh cho một đứa như vậy cất giữ thật chẳng khác nào giao trứng cho ác! Trong khi đó còn những bốn, năm ngày nữa nhà trường mới mở cửa trở lại. Thời gian đó đủ để cho nhỏ Hạnh đập vỡ tới hai mươi chai bầu, chứ đừng nói hai chai!
Nếu bây giờ đem hai chai bầu này gửi cho nhỏ Hạnh để năm ngày sau đến gom một đống miểng vỡ đem đi đổ thì thà để cho anh Vũ đập ngay tại đây còn hơn! Quý ròm tặc lưỡi nghĩ thầm và sau một hồi trùng trình, nó buồn bã xách hai chai bầu đặt lại trên giá.
Chương 8
Vẻ lo lắng bồn chồn của Quý ròm không qua được mắt bà.
Ngày hôm sau, nhân lúc chỉ có hai bà cháu ở nhà, bà lại gần Quý ròm, nhỏ nhẹ hỏi:
- Làm gì mà buồn buồn thế cháu?
- Dạ có gì đâu ạ! - Quý ròm chối.
Bà chép miệng:
- Bà thấy cháu lo lo là!
- Không phải đâu bà ơi!
Quý ròm kêu lên. Nhưng bà không tin. Bà vẫn lặng lẽ quan sát nó, rồi lại hỏi:
- Anh Vũ đã làm gì cháu phải không?
Quý ròm lắc đầu:
- Anh Vũ có làm gì đâu!
- Bà nghĩ là có! - Giọng bà nghi ngại - Thằng Vũ là chúa cộc, lẽ nào nó lại bỏ qua cho cháu vụ tấm drap?
Biết không thể nào giấu bà, Quý ròm đưa tay gãi cổ:
- Anh Vũ chỉ bắt cháu chép phạt thôi!
Bà tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Chỉ chép phạt thôi ư?
- Dạ, - Quý ròm nhún vai - Chỉ khi nào cháu không chịu chép, lúc đó anh Vũ mới phá hỏng đồ đạc của cháu!
- Ồ, thế thì cháu chép đi! - Bà nói, giọng đã có phần nhẹ nhõm - Thế mà bà cứ lo đã xảy ra chuyện gì ghê gớm lắm!
- Nhưng cháu không thể chép bà ạ!
Giọng điệu rầu rĩ của Quý ròm khiến bà ngơ ngác:
- Sao lại thế hở cháu? Chẳng lẽ cháu không muốn giữ mớ chai lọ của cháu lại hay sao?
Quý ròm nuốt nước bọt:
- Cháu muốn. Nhưng cháu đã nói rồi. Cháu không thể chép câu đó được.
- Câu đó là câu gì mà cháu có vẻ bực bội thế? - Bà tò mò hỏi.
Quý ròm nhìn bà, đắn đo một thoáng rồi hắng giọng đọc lên cái câu mà anh Vũ phạt nó phải chép.
Nghe xong, bà ngẩn người ra:
- Câu đó thì có gì là kinh khủng đâu?
Quý ròm nhăn nhó:
- Nhưng cháu không thể gọi những thí nghiệm của cháu là trò nhảm nhí!
- Ối dào! - Bà kêu lên - Gọi gì mà chẳng được! Miễn là mình thoát nạn thôi chứ!
Rồi bà hạ giọng nài nỉ:
- Chép đi cháu! Nghe lời bà, chép đi, đừng có bướng!
- Không được đâu bà ơi! - Quý ròm khăng khăng - Hồi trước ông Bruno thà bị thiêu sống trên giàn hỏa chứ không chịu thừa nhận mặt trời quay quanh trái đất đấy!
- Là sao? Cháu nói gì bà chẳng hiểu!
- Thế này này! - Quý ròm hùng hồn giải thích - Trước kia có một thời người ta cho rằng mặt trời quay chung quanh trái đất, còn trái đất thì đứng yên vì nó là trung tâm của vũ trụ. Ðó cũng là quan điểm của Nhà thờ. Về sau, ông Copernicus rồi đến các ông Bruno, Galileo đều nói ngược lại, rằng mặt trời đứng yên và chính trái đất mới quay chung quanh mặt trời. Ông Bruno bị Giáo hội bắt giam tám năm và đưa ra Tòa án Tôn giáo nhưng ông thà bị hỏa thiêu chứ nhất định không chịu nói khác với suy nghĩ của mình! Thế đấy!
- Lạy chúa! - Bà trợn mắt - Sao cái ông Bruno gì gì đó điên quá vậy hở cháu? Cái nào quay quanh cái nào thì liên quan gì đến mình mà phải đưa lưng ra chịu chết? Người ta bảo sao cứ nói theo vậy có phải hơn không?
- Ðâu thể nó như bà được! - Quý ròm bật cười - Người ta là nhà khoa học mà lại! Nhà khoa học thì không thể nói sai sự thật được!
- Nhưng cháu có phải là nhà khoa học đâu! - Bà nhấp nháy mắt - Cháu cứ chép tướng cái câu đó thì đã sao!
Mặc cho bà dụ dỗ, Quý ròm vẫn không nao núng. Nó nói, vẻ kiên quyết:
- Bây giờ cháu còn đi học nhưng biết đâu sau này cháu sẽ trở thành một nhà khoa học. Vì vậy cháu cần phải học tập theo ông Bruno.
Thấy không lay chuyển được đứa cháu cứng đầu, bà thở dài giận dỗi:
- Ðã vậy thì mặc cháu! Nhưng mai mốt nhỡ có chuyện gì thì đừng có kiếm bà mà nhè đấy nhé!
- Cháu sẽ không nhè đâu! - Quý ròm nheo mắt trêu bà - Nhà khoa học ai lại nhè!
- Khoa học cái tổ mẹ mày! Có mà bét đít với thằng Vũ!
Bà nói, tức tối và tuyệt vọng. Rồi bà hậm hực bỏ đi.
Chắc bà lo lắng cho mình lắm! Quý ròm nhìn theo bà, buồn rầu nhủ bụng. Nhưng nó không thể làm theo lời khuyên của bà. Nó đã quyết định rồi. Nó sẽ không chép phạt. Hoặc giả, nếu chép nó sẽ thay chữ "trò nhảm nhí" bằng một từ ngữ khác, ý nghĩa hơn và ít báng bổ hơn. Rồi mặc anh Vũ muốn làm gì thì làm.
Quý ròm nhìn lên tấm lịch trên tường. Hôm nay đã là ngày cuối cùng. Sáng mai, theo lời hẹn, nó phải nộp tờ giấy chép phạt cho anh Vũ nếu muốn cứu mớ chai lọ lỉnh kỉnh của mình. Mặc dù đã quyết tâm bắt chước ông Bruno hy sinh tất cả cho khoa học nhưng mỗi lần nghĩ đến những dụng cụ và thiết bị mà mình đã cất công tom góp bấy lâu nay bỗng chốc bị ném tõm vào hố rác, Quý ròm không khỏi xót ruột. Những lúc ấy, nó phải nghĩ đến hình ảnh ủ rũ của Tiểu Long lúc ngồi ngoài vườn để tự trấn an mình. Ừ, dù sao sự hy sinh của mình cũng không phải là vô nghĩa! Với ba chục ngàn trong túi, hiện nay Tiểu Long chưa thể mua được con gấu bông cho nhỏ Oanh tội nghiệp, nhưng ít ra nó cũng đã cất giữ được một phần ba ước mơ của em gái mình. Những ngày sắp tới, nó và Tiểu Long sẽ nghĩ ra cách kiếm thêm tiền. Chắc chắn là sẽ có cách, mặc dù đó là cách gì thì nó chưa nghĩ ngay ra được.
Trước đây, Quý ròm định bàn với Tiểu Long tổ chức thêm một buổi biểu diễn ảo thuật có bán vé ngay tại nhà bạn mình. Nó đã suy tính kỹ càng về chuyện này. Khu phố Tiểu Long ở là khu phố của dân lao động nghèo, bọn trẻ con ở đó chắc chắn sẽ không đào đâu ra hai ngàn đồng để mua vé. Quý ròm dự tính chỉ bán vé với giá năm trăm đồng. Giá vé thấp nhưng nếu bọn nhóc chen kín cả mảnh sân phía sau nhà Tiểu Long thì số tiền kiếm được cũng không đến nỗi nào.
Nhưng kế hoạch đó chưa kịp thực hiện đã nhanh chóng bị phá sản. Nếu ngày mai Quý ròm không chịu nộp tờ chép phạt hoặc cố tình chép sai những lời anh Vũ dặn thì những dụng cụ hành nghề của nó có nguy cơ bị tan tành. Nghĩ đến đó, Quý ròm bất giác đưa mắt nhìn lên dãy chai lọ đủ kiểu đủ cỡ đang nằm im lặng xếp hàng trên giá gỗ sát tường. Ánh mắt của nó lúc này nom trìu mến lạ. Có vẻ như nó đang thầm nói lời vĩnh biệt với những người bạn đã cùng mình chia bùi xẻ ngọt lâu nay!
Suốt buổi chiều hôm đó, Quý ròm cứ thấp tha thấp thỏm. Nó ở lì trong phòng học, không dám ló mặt ra ngoài. Nó sợ gặp anh Vũ. Nó sợ anh sẽ nhắc nó về chuyện nộp phạt.
Thực ra, nếu anh Vũ muốn gặp nó thì Quý ròm chẳng trốn đi đâu được, nhưng anh Vũ chẳng có ý định đó. Vả lại, nghỉ trưa một chút xíu, anh đã vùng dậy dắt xe chạy đi chơi, đến tối mịt mới về.
Trong bữa cơm, Quý ròm thỉnh thoảng lại liếc về phía anh. Nhưng nó thấy anh chẳng tỏ vẻ gì khác lạ. Anh vẫn thản nhiên nhai cơm, thậm chí không hề nhìn nó.
Ngay cả khi ba xuýt xoa khôi hài:
- Chà, bữa nay chắc là có một tí "độc hại" trong canh hay sao mà nó ngọt ác!
Cả nhà đều phì cười, duy có anh chỉ nhếch mép một tí ti. Dường như anh đang bận tâm nghĩ ngợi một chuyện gì đó. Chuyện gì nhỉ, Quý ròm tự hỏi, chả rõ nó có dính dáng gì đến mình không!
Quý ròm mang nỗi băn khoăn vô tới tận phòng ngủ. Ngay cả khi đã lên giường rồi, nó vẫn nhìn trộm về phía anh nhưng anh vẫn tảng lờ.
Anh Vũ bật chiếc đèn nhỏ nơi đầu giường, duỗi mình trên tấm drap bà vừa vá lại, ung dung nằm đọc sách. Có vẻ như anh đã quên bẵng lời giao hẹn hôm nào với đứa em khốn khổ đang bồi hồi trằn trọc đằng kia.
Chương 9
Sáng hôm sau, khi Quý ròm dụi mắt lần bước ra phòng khách thì anh Vũ đã đi học.
Nó xuống bếp, rón rén lại gần bà:
- Bà này!
- Gì thế cháu?
- Sáng nay ấy mà! - Quý ròm đột nhiên lúng túng.
- Sáng nay sao?
- Anh Vũ ấy mà!
- Anh Vũ sao?
- Cháu định hỏi là... sáng nay trước khi đi anh Vũ có dặn lại gì không!
- Không! Không dặn gì cả!
Bà đáp, hơi mỉm cười, có lẽ đã đoán ra nỗi lo trong mắt Quý ròm.
Bắt gặp nụ cười của bà, Quý ròm đỏ mặt lẩn vội lên nhà trên. Nó ngồi vào bàn ăn, nhấm nháp qua quít mẩu bánh mì nhỏ bà chừa phần, rồi chui vào phòng học. Ðó là nơi trú ẩn tuyệt vời của nó. Xưa nay hễ gặp chuyện gì rắc rối, nó đều chui tọt vào đó.
Gần suốt buổi sáng, Quý ròm chống cằm ngồi suy tư bên bàn học. Ðã mấy lần bà thò đầu vào lặng lẽ quan sát, nó cũng không hay biết.
Quý ròm cứ ngồi bất động hoài như thế. Có lúc nó lôi sách ra định đọc nhưng xem lướt vài dòng thấy chẳng lọt vào đầu được chữ nào, nó lại nhét sách vào chỗ cũ.
Mãi đến gần trưa, đoánh anh Vũ sắp về tới, Quý ròm mới lấy giấy ra chép chép xóa xóa. Nó xé bỏ có đến chục tờ giấy, cuối cùng mới hài lòng với câu chép phạt đã được "cải biên" lại của mình: " Tôi không bao giờ lấy đồ của người khác để phục vụ cho những hoạt động khoa học của tôi nữa!".
Quý ròm mới chép được hơn mười câu thì có tiếng thắng xe rít lên ngoài cửa. Chết rồi, anh Vũ về! Quý ròm nhét vội tờ giấy vào ngăn kéo rồi sè sẹ bước tới chỗ cửa phòng, nhướn cổ trông ra.
Không phải anh Vũ, mà là chị Ngần. Chị Ngần dựng xe trước hiên, thong thả bước vào nhà.
Sao chị Ngần lại đến vào giờ này kìa? Quý ròm hơi ngạc nhiên. Trước nay, bao giờ chị Ngần cũng đến chơi vào buổi chiều hoặc buổi tối, đó là khoảng thời gian anh Vũ có nhà. Hầu như chưa bao giờ Quý ròm thấy chị xuất hiện vào giờ này. Vậy mà trưa nay chị đến, lạ thật!
Nhưng Quý ròm chẳng buồn nghĩ ngợi lâu. Biết không phải anh Vũ về, nó thở phào một cái rồi quay lại bàn, lôi giấy ra ngồi chép tiếp.
Quý ròm mới chép thêm được hai câu thì cửa phòng bỗng xịch mở khiến nó phải ngừng tay thắc thỏm trông ra. Và nó chợt tròn xoe mắt khi thấy chị Ngần đứng ngay trước cửa.
Quý ròm lật đật đứng dậy kéo ghế mời:
- Chị ngồi chơi!
Chị Ngần không khách sáo gì. Chị bước lại ngồi xuống ghế và tươi cười hỏi:
- Phòng học của em đây hả?
- Dạ.
Quý ròm lí nhí đáp, bụng vẫn chưa hết kinh ngạc. Từ trước tới giờ mỗi khi đến nhà, chị Ngần thường ở ngoài phòng khách hoặc ngồi chơi trong phòng anh Vũ. Chưa bao giờ chị đặt chân vào phòng Quý ròm. Vậy mà không hiểu sao bữa nay chị lại "dời gót ngọc" vào đây. Chắc anh Vũ chưa về nên chị muốn kiếm nó trò chuyện trong khi chờ đợi! Nghĩ vậy nên Quý ròm liếc đồng hồ, nói:
- Anh Vũ chắc sắp về tới rồi!
Nào ngờ chị Ngần mỉm cười:
- Chị đến tìm em chứ đâu phải tìm anh Vũ!
- Tìm em? - Quý ròm như không tin vào tai mình.
- Dĩ nhiên là tìm em rồi!
Quý ròm chớp chớp mắt:
- Chị tìm em có chuyện gì không?
Chị Ngần không trả lời thẳng câu hỏi của Quý ròm. Mà hỏi lại:
- Nghe nói em giỏi môn lý hóa lắm phải không?
Không biết chi Ngần hỏi câu đó có ý gì, bụng Quý ròm giật thon thót. Nó chẳng rõ giữa câu hỏi của chị Ngần với hình phạt anh Vũ dành cho nó có liên quan gì với nhau hay không nên cứ ngồi trơ ra, quên cả trả lời:
- Sao, có phải không?
Thấy Quý ròm ngồi không nhúc nhích, chị Ngần lại hỏi.
Quý ròm hít mạnh một hơi rồi cắn môi, bẽn lẽn:
- Ai nói với chị vậy?
- Anh Vũ nói.
Câu trả lời của chị Ngần làm Quý ròm há hốc mồm:
- Anh Vũ nói với chị vậy hả?
- Ừ. Ảnh còn bảo về các môn vật lý và hóa học có khi em còn giỏi hơn ảnh và chị nữa!
- Không có đâu! Ðó là ảnh nhạo em đấy thôi!
Quý ròm phủ nhận lời khen của anh Vũ nhưng giọng nó lại nhuốm vẻ xúc động. Nó không hiểu tại sao anh Vũ vốn xem những "hoạt động khoa học" của nó bằng nửa con mắt bây giờ lại "bốc" nó lên tận mây xanh như thế. Trong một thoáng, Quý ròm bỗng nhớ tới ánh mắt khác lạ của anh Vũ nhìn nó hôm nó "thuyết trình" về đề tài "bột ngọt" trong bữa cơm cách đây mấy ngày. Phải chăng kể từ giây phút đó anh Vũ đã hiểu rằng những gì mà nó say mê đeo đuổi không phải chỉ là trò trẻ con như anh tưởng?
Quý ròm nhìn chị Ngần, ngờ ngợ hỏi:
- Anh Vũ nói với chị hồi nào vậy?
- Chiều hôm qua! - Chị Ngần tủm tỉm - Khi chị nhờ ảnh giải giùm chị một câu đó có liên quan đến hiện tượng vật lý, ảnh chịu thua và bảo chị đi hỏi em!
Quý ròm vừa tò mò vừa phấp phỏng. Nó sợ nếu chị Ngần nói ra, nó cũng mít đặc luôn thì thật là mắc cỡ. Nhưng cuối cùng không cưỡng được sự hiếu kỳ, nó buột miệng hỏi:
- Câu đố gì vậy chị?
Chị Ngần vuốt tóc:
- Người ta đố tại sao điếu thuốc ta hút, chỗ đầu cháy có khói màu xanh, còn khi ta thở khói ra thì nó có màu trắng vàng.
Nghe chị Ngần đọc câu đố, Quý ròm bỗng phì cười.
- Em cười gì vậy? - Chị Ngần ngơ ngác - Bộ chị đọc sai hả?
- Không phải là đọc sai! - Quý ròm cố nín cười - Nhưng em nghe chị hỏi, em cứ nghĩ là chị nghiện thuốc lá ghê lắm!
- Em đừng có mà trêu chị! - Chị Ngần làm bộ cung tay - Câu này chị đọc được trên báo chứ đâu phải do chị nghĩ ra!
- À, em biết rồi! - Quý ròm gật gù - Chị đọc trong mục "Ðố vui" chứ gì?
Chị Ngần sáng mắt lên:
- Phải rồi! Như vậy là em cũng hay chơi trò giải đố trên báo lắm phải không?
Quý ròm quệt mũi:
- Trước đây thì có, nhưng bây giờ thì em hết thích rồi!
- Tại sao vậy?
Câu hỏi của chị Ngần khiến Quý ròm ngập ngừng. Nó cảm thấy lý do của nó không khiêm tốn lắm. Thực ra năm ngoái nó vẫn còn say mê trò giải câu đố trên các báo. Nhưng kể từ đâu năm nay, trò chơi đó không còn hấp dẫn nó nữa. Càng ngày những câu đố, kể cả những câu đố mẹo, càng trở nên ít kích thích trí tò mò của nó. Bây giờ Quý ròm đã có thể giải đáp hầu hết những câu đố hóc búa một cách dễ dàng. Vì vậy nó đâm chán. Tất nhiên Quý ròm không muốn nói ra sự thật. Nó không muốn chị Ngần nghĩ nó là đứa huênh hoang hay tự cao tự đại.
- Tại lúc này em bận học! - Quý ròm đáp, nó khịt khịt mũi để che giấu sự bối rối.
Chị Ngần chớp chớp mắt:
- Thế câu đố vừa rồi, em giải đáp được không?
- Dạ được! - Quý ròm liếm môi rồi lấy vẻ nghiêm trang, hắng giọng - Sở dĩ khói ở đầu điếu thuốc đang cháy có màu xanh bởi vì nó có những hạt rất nhỏ, những hạt này làm khuếch tán ánh sáng và cho thấy màu xanh tức là màu ánh sáng có bước sóng ngắn. Còn màu trắng vàng vì những hạt này lúc đó đã bị hơi nước bao bọc chung quanh!
Rồi nhìn vẻ mặt đang ngẩn ra của chị Ngần, Quý ròm chép miệng nói thêm:
- Hiện tượng này cũng giống như khi ta nhìn thấy màu xanh của bầu khí quyển và màu trắng vàng của những đám mây vậy!
Nghe Quý ròm giải thích một lèo, đôi mắt chị Ngần ánh lên vẻ thán phục. Chị chặc lưỡi trầm trồ:
- Anh Vũ nói quả không ngoa! Em đúng là "siêu" thật!
Ðược chị Ngần khen, Quý ròm sướng phổng mũi. Ở trường, nó vẫn thường được thầy cô và bạn bè khen ngợi, thậm chí trong những cuộc thi thố cấp thành phố, nó còn được xem là niềm tự hào của toàn trường. Nhưng những điều đó từ lâu đã là chuyện bình thường đối với Quý ròm. Còn chị Ngần lại khác. Lời khen của chị có một giá trị đặc biệt. Chị Ngần không chỉ khen Quý ròm. Chị còn nói:
- Bây giờ em đọc lại lời giải cho chị chép đi!
Ðề nghị của chị khiến Quý ròm cảm thấy mình quan trọng hẳn lên. Nó sửa lại thế ngồi rồi khoanh tay trước ngực, chậm rãi đọc từng lời cho chị chép, dáng điệu rất là trịnh trọng.
Ðúng lúc đó, anh Vũ về.
Anh bước vào phòng, môi mím lại để khỏi bật cười khi thấy chị Ngần đóng vai cô học trò ngoan ngoãn, còn Quý ròm thì nghiêm trang, oai vệ như một ông giáo khó tính.
- Ngần mới tới hả? – Anh hỏi, không nhìn về phía Quý ròm.
Chị Ngần ngừng tay ngước lên, giọng vui vẻ:
- Ừ, Ngần mới tới! - Rồi chị hớn hở khoe – Quý đã giải giùm Ngần được câu đố rồi!
- Vậy hả? – Anh Vũ hất đầu – Thôi, Ngần chép tiếp đi!
Từ khi anh Vũ xuất hiện, Quý ròm đánh mất ngay sự ung dung trước đó. Ðang hùng hồn đọc cho chị Ngần chép, nóng bỗng im bặt và thu hai tay xuống gầm bàn, chẳng để làm gì. Chỉ đến khi nghe anh Vũ giục chị Ngần, nó mới tằng hắng hai, ba cái để lấy lại bình tĩnh rồi rụt rè đọc tiếp.
Hoàn toàn không hay biết gì về mối quan hệ “gay cấn" giữa hai anh em, chép xong lời giải, chị Ngần buông bút xuống và cười cười nhìn Quý ròm:
- Chị còn một câu nữa!
Nghe chị Ngần nói vậy, anh Vũ đưa mắt nhìn Quý ròm có ý dò hỏi. Nhưng Quý ròm lại hiểu khác. Ðang bị ám ảnh bởi chuyện nộp bản chép phạt, vừa bắt gặp cái nhìn của anh, nó giật thót và lật đật thò tay vào ngăn kéo lôi tờ giấy đã chuẩn bị sẵn ra, bụng lo ngay ngáy về việc đã đổi chữ “những trò nhảm nhí” trong nguyên văn thành “những hoạt động khoa học” một cách tự tiện và có vẻ gì đó như là thách thức.
Nhưng may mắn làm sao, thấy Quý ròm lo lắng chìa tờ giấy ra, anh Vũ đã vội vàng xua tay:
- Thôi, chuyện đó coi như xong rồi!
Thái độ của anh Vũ bất ngờ đến mức phải ngớ người ra một hồi Quý ròm mới hiểu. Nó sung sướng thở một hơi dài, cảm thấy người tự dưng nhẹ bỗng. Gánh nặng mấy ngày qua vẫn đè nặng trong tâm trí nó chợt biến mất một cách vô hình, hệt như bức tượng Nữ thần Tự do ở cảng New York bị biến mất thình lình trong màn biểu diễn của nhà ảo thuật David Copperfield vậy.
Chị Ngần không hiểu ất giáp gì, trố mắt hỏi:
- Chuyện gì vậy?
- Ồ, có gì đâu! – Anh Vũ lấp lửng - Chỉ là chuyện vặt thôi!
- Chị bảo còn một câu nữa là câu gì vậy? - Quý ròm láu lỉnh vọt miệng chen ngang.
Quả nhiên, nghe Quý ròm hỏi, chị Ngần quên béng mất thắc mắc. Chị đưa tay bóp bóp trán:
- À, câu đó là như thế này. Trong một cuộc thi điền kinh, khi trọng tài bắn phát súng lệnh ra hiệu xuất phát thì giữa người khán giả ngồi trên khán đài cách chỗ trọng tài đứng khoảng 100 mét với người thính giả nghe tường thuật trực tiếp qua ra-đi-ô cách đó 1000 ki-lô-mét, ai là người nghe tiếng súng trước tiên?
Chị Ngần hỏi Quý ròm những câu đố lý thú đến nỗi anh Vũ ngồi cạnh cũng thần người ra suy nghĩ. Anh đoán là người thính giả ở xa nghe tiếng súng trước thì chẳng ai mất công đánh đố làm gì. Nhưng tại sao người ở xa nghe thấy tiếng súng trước người ở gần thì anh lại không thể giải thích suôn sẻ được vì vậy anh ngồi im đưa mắt nhìn Quý ròm.
Khác với lần trước, lần này Quý ròm nhíu mày ra vẻ băn khoăn tợn. Chị Ngần nhìn lom lom vào mặt Quý ròm, lo âu hỏi: - Câu đố khó quá hả em?
Quý ròm lắc đầu:
- Câu đó không khó, nhưng thiếu những giả thiết cụ thể thành ra không rõ ràng!
- Không rõ ràng? - Chị Ngần ngơ ngác.
- Lẽ ra câu đố phải chi biết vị trí chính xác của người tường thuật viên! - Quý ròm chậm rãi giải thích - Nếu anh ta ngồi trên khán đài thì người khán giả sẽ nghe thấy tiếng súng trước. Còn nếu anh ta cầm mi-crô đứng ngay tại điểm xuất phát cuộc thi, nghĩa là đứng kế người bắn súng hiệu, thì người thính giả nghe thấy tiếng súng trước tiên!
- Làm sao mà người ở xa 1000 ki-lô-mét lại có thể nghe thấy tiếng súng trước người ở cách đó chỉ 100 mét được? - Chị Ngần kêu lên, giọng nghi hoặc.
Quý ròm mỉm cười:
- Chuyện này chẳng có gì lạ! Bởi khi trọng tài bắn phát súng lệnh thì sóng âm của tiếng nổ sẽ biến đổi thành sóng điện trường vô tuyến thông qua máy phát tại chỗ. Sóng điện trường được phát lên không trung và truyền đi trong không khí với vận tốc khoảng 300.000 ki-lô-mét/giây. Trong khi đó sóng âm truyền trong không khí chỉ đạt vận tốc khoảng 343 mét/giây. So sánh hai vận tốc, chị sẽ thấy trong khi sóng âm đi được một mét thì sóng điện trường đã đi được gần 900 ki-lô-mét. Như vậy người thính giả ở xa nghe thấy tiếng súng trước người ngồi xem trên sân là chuyện tất nhiên!
Anh Vũ ngồi bên chăm chú nghe, đầu gục gà gục gặc. Còn chị Ngần thì đợi Quý ròm dứt câu liền hớn hở reo lên: - Hay quá! Nếu em không cắt nghĩa rõ ràng như vậy, chị chẳng tài nào lần ra nổi!
Rồi lật vội cuốn tập trên tay, chị nhanh nhẩu giục:
- Bây giờ em nói lại lần nữa đi!
Quý ròm gãi đầu:
- Nhưng còn vị trí của người tường thuật...
- Không sao! - Chị Ngần hăm hở - Nếu đề bài không rõ ràng thì mình cứ nêu cả hai trường hợp. Có vậy tòa báo họ mới sợ!
Nhìn bộ tịch hăng hái của chị Ngần, Quý ròm không khỏi cười thầm. Chị cũng "hiếu thắng" hệt như mình! Nó nhủ bụng và cảm thấy vui vui với điều vừa khám phá.
Ngày hôm nay quả thật là ngày vui của Quý ròm. Suốt cả buổi sáng nó cứ thấp thỏm không yên, bụng lúc nào cũng lo ngay ngáy đến số phận của đống chai lọ bảo bối. Cứ nghĩ tất cả thế là đi tong hết, vậy mà trong phút chốc mọi sự lại đảo lộn tùng phèo, thật không thể nào tin được! Chị Ngần xuất hiện như một bà tiên bước ra từ những câu chuyện cổ, kéo theo cả sự thay đổi thái độ của anh Vũ. Còn Quý ròm từ vị trí là một tên tội phạm bỗng chốc nhảy vọt lên vai trò của một vị cứu tinh vĩ đại, oai phong ra phết!
Nhưng điều hạnh phúc hơn hết là cuối cùng, trên con đường khoa học gian nan của mình, Quý ròm đã tìm được một người bạn tâm đắc là chị Ngần. Chị Ngần khoái nó đến mức sau khi chép xong lời giải cho câu đố thứ hai, liền chớp chớp mắt gạ:
- Nghe anh Vũ nói em làm trò ảo thuật hay lắm phải không? Bây giờ em biểu diễn vài trò cho chị xem với!
- Trò ảo thuật ấy à?
Không ngờ chị Ngần lại yêu cầu đột ngột như vậy, Quý ròm đâm lúng túng. Miệng nó hỏi lại mà mắt thì lấm lét nhìn anh Vũ.
Biết Quý ròm còn ngần ngại sau những chuyện vừa rồi, anh Vũ khẽ hắng giọng:
- Biến nước thành lửa, lấy máu vẽ tranh gì gì đó!
Anh nói, giọng cố làm ra vẻ thờ ơ nhưng rõ ràng ngụ ý trấn an Quý ròm.
Quý ròm làm gì chẳng hiểu biết điều đó. Nó còn biết vì mới trách phạt nó cách đây ba ngày nên lúc này anh Vũ không tiện cổ vũ nó một cách mạnh mẽ. Nhưng dù sao đi nữa anh Vũ ngày hôm nay đã không còn là anh Vũ của những ngày trước đó. Và Quý ròm chẳng mong gì hơn nữa.
Nhưng khi nó cúi xuống định vói tay kéo thùng các-tông dưới gầm bàn ra thì bà đã thò đầu vào phòng:
- Ra ăn cơm đi các cháu! chổi. Từ ngày chơi với Quý ròm, nó đã quen với công việc này rồi... | |