| - Spoiler:
Chương 9
Sáng hôm sau nhằm vào ngày thứ năm, ngày Tùng được nghỉ học. Ðiều đó thật là hên cho nó.
Tối hôm trước nằm trằn trọc nghĩ mãi về Tai To, Tùng ngủ trễ hơn mọi bữa. Sáng ra, ba mẹ đi làm, nhỏ Hạnh đi học, còn Tùng vẫn nằm bẹp trên giường, mắt nhắm tịt. Nếu nhằm ngày đi học, dì Khuê chắc sẽ không ngừng than khổ than sở khi phải dựng nó dậy trong một tình trạng như thế.
Tùng ngủ một mạch đến hơn tám giờ sáng. Khi dì Khuê xách giỏ chuẩn bị đi chợ, nó vẫn chưa tỉnh ngủ.
- Nào, dậy đi cháu! - Dì lay vai nó - Cháu định nằm nướng cho đến lúc cả người cháy thành than hay sao?
Nhưng mặc cho dì lay lay đập đập, Tùng vẫn không buồn mở mắt. Nó chỉ ú ớ vài ba tiếng rồi xoay mặt vào tường... ngủ tiếp.
- Dậy đi! - Dì Khuê thò tay nắm lấy chân Tùng, giọng nài nỉ - Dậy một chút xíu thôi! Chạy ra đóng cửa cho dì rồi sau đó muốn ngủ tiếp thì ngủ!
Cánh cửa lưới nhà Tùng có cả khóa trong lẫn khóa ngoài. Nếu người đi ra là kẻ cuối cùng rời khỏi nhà thì bấm ổ khóa bên ngoài. Ngược lại, nếu trong nhà có người thì người trong nhà phải chạy ra bấm ổ khóa hoặc chốt then cài phía trong. Dãy phố Tùng ở thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ mất trộm nên ba mẹ luôn luôn nêu cao cảnh giác. Ba nói cho "Cẩn tắc vô ưu", rồi gật gù giải thích "Cẩn thận bao giờ cũng hơn". Hôm nào đi làm về, kéo một phát thấy cửa mở toang, nghĩa là quên cài chốt bên trong, thế nào ba cũng nghiêm khắc phê bình. Vì vậy, chẳng ai trong nhà dám chểnh mảng chuyện cửa nẻo, kể cả Tùng.
Nhưng hôm nay Tùng buồn ngủ quá. Nghe đến chuyện khóa cửa, nó cũng muốn nhỏm dậy nhưng mắt nó cứ díp lại và hình như có một sức mạnh vô hình nào từ trong đống chăn nệm cứ níu lưng nó xuống.
- Dì cứ đi chợ đi! - Tùng nói, mắt nhắm mắt mở, giọng nhừa nhựa - cháu sẽ dậy ngay bây giờ đấy!
Chẳng làm sao được, dì Khuê đành tặc lưỡi quay đi sau khi dặn dò kỹ lưỡng:
- Nhớ đấy nhé! Cháu mà không dậy khóa cửa, trộm sẽ vào nhà khuân hết đồ đạc đi đấy!
- Ối giời! - Tùng nhủ bụng - Dì chỉ giỏi tài dọa! Trộm nào mà dám viếng nhà vào giờ này!
Nghĩ vậy nên Tùng tự cho phép mình nằm nán thêm một lát. Ngay cả khi nghe tiếng dì Khuê sập cửa, Tùng vẫn không buồn động đậy. Nó cứ nằm mơ mơ màng màng, xoải chân xoải tay một cách biếng nhác.
Tùng không ngờ lúc đó có hai tên trộm đang lảng vảng ở bên ngoài thật.
Hai tên trộm, một béo một gầy. Tên gầy cao lòng khòng, mặt choắt như quả cau khô, đi tay không. Tên béo râu ria lởm chởm, thấp hơn đồng bọn gần cả cái đầu, tay cầm đong đưa chiếc giỏ lác.
Khi dì Khuê đẩy cửa bước ra, hai tên trộm đang đứng cách đó mấy căn. Cả hai đang tựa người vào lan can, vừa phì phà khói thuốc vừa chỉ trỏ xuống đường nói léo nhéo gì đó.
Thái độ của chúng không có gì khả nghi nên dì Khuê chỉ đưa mắt nhìn qua một cái rồi vội vã rảo bước xuống cầu thang.
Nhưng khi dì vừa khuất dạng, tên béo đã nháy mắt với tên gầy:
- Sao mày?
- Yên chí! Tao đã điều tra kỹ càng rồi!
Tên béo vẫn chưa yên tâm:
- Nhớ trong nhà có người thì sao?
- Làm gì có chuyện đó! - Tên gầy trấn an đồng bọn.
Tên béo vẫn lộ vẻ trù trừ, hắn liếm môi:
- Hình như trong nhà còn một thằng nhóc! Từ sáng đến giờ tụi mình đâu có thấy nó ra khỏi nhà!
- Có thể nó đi vắng từ hôm trước!
Tên gầy đưa ra lời phỏng đoán. Rồi để đánh tan nỗi ngờ vực trong lòng tên béo, hắn gật gù nói thêm:
- Muốn kiểm tra chuyện đó chả có gì khó! Ði theo tao!
Nói xong, không để tên béo kịp có ý kiến, tên gầy lững thững tiến về phía nhà Tùng. Ðến ngay trước cánh cửa lưới, hắn nhướn mắt nhìn vào bên trong, ngoác miệng rao:
- Ai có ve chai, dép đứt, thau nhôm, mủ để bán không?
Sau khi giả giọng người buôn ve chai rao hai, ba lần liên tiếp, vẫn thấy bên trong chẳng động tĩnh gì, tên gầy nhún vai:
- Thấy chưa! Tao đã bảo nhà không có người mà lại!
Ðang nói, ánh mắt chợt chạm phải chỗ móc khóa, tên gầy mừng rỡ reo lên:
- Ôi, trời giúp ta rồi! Cửa không khóa!
Tên béo dè dặt:
- Có thể cửa khóa phía trong!
Nghe vậy, tên gầy khẽ cau mày. Hắn thò tay cầm cánh cửa kéo nhẹ.
Cánh cửa bật ra ngay theo đà kéo của tên gần khiến tên béo tròn mắt:
- Sao có chuyện lạ thế này?
- Chẳng có gì lạ cả! - Tên gầy phấn khởi - Tất cả là do sự đảng trí của người đàn bà kia thôi!
Vừa nói hắn vừa lách người vào. Sau một thoáng ngập ngừng, tên béo cũng lẹ làng lách theo và thò tay khép cửa lại. Sau khi lọt vào nhà, hai tên trộm nép sát tường dọ dẫm từng bước một, mắt láo liên quan sát.
Trong phòng khách chẳng có món gì hấp dẫn. Ngoài bộ xa-lông và chiếc đi-văng là bàn học ngổn ngang tập vở của Tùng. Dọc tường là dãy kệ sách đồ sộ, dài ngoằng. Tên béo lẩm bẩm: Toàn là thứ vô tích sự! Treo tít trên cao là chiếc đồng hồ quả lắc. Tên gầy liếm môi: Món này không đáng giá là bao nhưng có thể thó được, chỉ tiếc là treo quá cao, trèo lên trèo xuống bất tiện!
Hai tên trộm vừa nhanh nhẹn đảo mắt nhẩm tính giá trị các món đồ vừa lần ra phía sau.
Khi bước qua khỏi chiếc tủ buýp-phê dùng làm vách ngăn, cả hai chợt sáng mắt lên.
Trước mặt chúng, trên chiếc bàn thấp kê sát tường là chiếc ti-vi 14 inch và ngay bên cạnh là một đầu máy vi-đê-ô hiệu Sony mới toanh.
Chiếc ti-vi cồng kềnh tất nhiên không thể mang ra khỏi nhà nhưng cái đầu máy thì quả là gọn nhẹ, chỉ cần thảy tọt vào chiếc giỏ lác là xong. Có xách ngang qua mặt công an thì công an cũng chỉ biết lễ phép cúi chào mà thôi!
Tên gầy hất đầu về phía tên béo:
- Ra tay đi! Còn chờ gì nữa!
Không đợi giục đến lần thứ hai, tên béo vọt lại ôm chiếc đầu máy bằng hai tay, kéo mạnh. Nhưng những dây nhợ nhùng nhằng phía sau đã giữ rịt lại. Chiếc đầu máy không những không tuột ra mà chiếc bàn lại bất thần chao nghiêng khiến những chiếc băng vi-đê-ô đặt hờ hững bên trên rơi xuống sàn nhà phát ra những tiếng "lộp cộp".
Sự cố bất ngờ khiến hai tên trộm giật nảy người. Tên béo đè tay lên ngực:
- Hú ba hồn bảy vía!
- Hồn vía cái đầu mày! - Tên gầy nghiến răng trèo trẹo, mắt long lên - Lấy dao cứa phăng ba sợi dây chết tiệt đó đi chứ còn đứng trơ ra đấy làm gì!
Nghe nhắc, tên béo lập tức thò tay vào giỏ lác lấy ra một con dao bén ngót, lưỡi sáng loáng. Hắn lia một phát, sợi dây cắm vào ổ điện đứt phăng.
Khoái chí, hắn khoa dao định cắt luôn sợi dây thứ hai nối liền đầu máy với ti-vi nhưng lần này chưa kịp hạ dao xuống, hắn đã rụt tay lại, hốt hoảng ngước mắt nhìn lên.
Trên gác đang vang lên những tiếng động lịch kịch, rõ mồn một. Rồi có tiếng chân bước vội về phía cầu thang.
Dĩ nhiên tiếng chân đó không của khác hơn là của Tùng. Ðang lim dim nửa mơ nửa thức, chợt nghe có tiếng đồ đạc rơi vãi dưới nhà, Tùng vụt ngồi ngay dậy. Trong chớp mắt, cơn buồn ngủ biến mất.
Trộm chăng? Tùng nhíu mày lo lắng. Ý nghĩ đó khiến nó tỉnh như sáo. Nhưng rồi cặp lông mày Tùng nhanh chóng dãn ra. Nó tự trấn an: Không thể là trộm được! Bọn này chỉ hành động vào ban đêm thôi! Chẳng tên trộm nào dại dột đến mức vào nhà người ta đánh thó đồ đạc vào lúc trời sáng bảnh như thế này! Nhưng nếu không phải trộm thì ai đang lục đục ở dưới nhà? Hay là dì Khuê đã về? Vô lý! Chả bao giờ dì trở về sớm như thế cả! Mỗi khi ra chợ, bao giờ dì cũng rảo tới rảo lui ít nhất là hai tiếng đồng hồ, thích thú ngắm nghía và sờ mó hết món này đến món khác mặc dù cuối cùng, tính tằn tiện bẩm sinh chẳng cho phép dì mua sắm bao lăm. Ðã được dì dẫn đi chợ đôi lần, Tùng chẳng lạ gì cái "tật la cà" của dì. Do đó nó không tin giờ này dì đã ở trong nhà.
Ðang loay hoay nặn óc, Tùng sực nhớ tới một việc, liền reo khẽ: Thôi, đúng là dì rồi! Hôm nay dì phải vội vàng trở về nhà chính là vì sợ mình cứ nằm ườn ra trên giường, không chịu ngồi dậy chạy đi khóa cửa. Mà chết rồi, mình đâu đã khóa cửa! Thế này thì lôi thôi với dì to!
Vừa nghĩ tới đó, Tùng giật thót, vội leo xuống khỏi giường chạy về phía cầu thang. Nó hoàn toàn không hay biết nỗi nguy hiểm đang chờ đợi mình.
Không khí chung quanh vẫn vắng lặng như tờ. Tùng vừa lần xuống các bậc thang vừa ngoảnh cổ dòm dáo dác. Chẳng có ai cả. Dì Khuê đâu rồi nhỉ? Tùng tự hỏi, rồi nó tự trả lời: Chắc dì ở dưới bếp! Nhưng không hiểu sao Tùng vẫn cảm thấy lo lo. Nhớ đến tiếng "lộp cộp" lạ lùng lúc nãy tự dưng nó đâm rờn rợn. Nỗi xao xuyến trong lòng mỗi lúc một tăng khiến Tùng bồn chồn không dám bước tiếp. Nó dừng lại ở lưng chừng cầu thang, dỏng tai nghe ngóng.
Một tiếng động khẽ đột ngột phát ra từ chỗ tủ quần áo khiến Tùng nơm nớp đảo vội mắt về phía đó. Và tóc gáy nó lập tức dựng đứng cả lên khi từ đằng sau tủ bất thần nhô ra một bộ mặt lạ hoắc, râu ria lởm chởm. Bộ mặt hung hãn đó huơ dao:
- Ðứng im! Biết điều thì câm mồm!
Mệnh lệnh của tên béo thực ra không cần thiết. Quai hàm của Tùng đã cứng đờ. Bảo nó nói lúc này khó hơn là bảo nó câm miệng.
Mặt thộn ra, Tùng nhìn lưỡi dao sáng loáng trên tay tên béo bằng ánh mắt sợ hãi. Trong một lúc, không chịu nổi, nó phải quay mặt đi chỗ khác.
Tùng không quay mặt đi còn đỡ. Vừa ngoảnh cổ sang bên cạnh suýt một chút nữa nó đã tè vãi ra quần: một bóng người gầy khẳng gầy kheo và cao lòng khòng như cây tre miễu đang đứng lù lù đằng góc nhà và giương cặp mắt trắng dã lên nhìn nó, vẻ đe dọa.
Trái tim trong ngực Tùng như muốn bắn ra ngoài. Chân run lên, Tùng phải cố lắm mới không khuỵu xuống. Trong lúc này, nó chỉ biết khấn thầm dì Khuê mau mau trở về dù nó thừa biết điều đó hoàn toàn vô vọng.
Tên gầy hất đầu về phía tên béo:
- Trói nó lại! Nhét giẻ vô mồm.
Tên béo lẹ làng đặt chiếc giỏ lác dựa vào chân tủ nghe "cạch" một tiếng. Ðấy là tiếng chiếc đầu máy bên trong chạm vào nền gạch. Xong, tên béo hoa dao lừ lừ tiến lại phía cầu thang nơi Tùng đang đứng chết trân nãy giờ.
Ðúng trong lúc đó, Tai To đang trên đường trở về nhà.
Hôm bị chú Xuân dẫn đi, Tai To đã cực lực phản đối. Nó vừa lẽo đẽo theo chú vừa kêu lên rin rít, đau khổ và phẫn uất. Có lúc nó bướng bỉnh đứng hẳng lại không buồn cất bước khiến chú Xuân phải dỗ dành mãi. Hôm đó, phải mất gấp đôi số thời gian dự tính, chú Xuân mới đưa được Tai To về đến nhà.
Cô Lài và cu Tèo thấy Tai To về, liền ùa ra hớn hở:
- Ôi, chú cún xinh quá!
Cu Tèo nhảy cẫng:
- Ba ơi, ba đưa sợi dây cho con dắt nó đi chơi đi!
- Không được đâu! Con Tai To này ghê lắm! - Chú Xuân tặc lưỡi - Không khéo con làm sổng nó bây giờ!
Nói xong, chú cột một đầu sợi dây vào thanh cửa sổ:
- Phải xích nó lại vài ba ngày cho nó quen chỗ đã!
Bầy chó nhà chú Xuân thấy con chó lạ liền xúm lại xem. Có con đi vòng quanh Tai to thò mõm hít hít ngửi ngửị Có con nghịch ngợm đưa chân khều vào đôi tai dài của nó khiến Tai To nhe răng "grừ grừ".
- Thôi, thôi, giải tán! Tụi mày đừng có mà giở trò ma cũ bắt nạt ma mới!
Chú Xuân vung vẩy tay xua bọn chó đi.
Bọn chó tản hết. Chỉ còn lại cu Tèo.
Cu Tèo thò bàn tay nhỏ nhắn vuốt lên bộ lông mềm mại của Tai To, miệng liến láu:
- Tên mày là Tai To hở? Ừ đúng đấy! Tai mày dài ghê là!
Ðược người bạn nhỏ vuốt ve, Tai To chớp mắt đứng yên, thậm chí nó còn khẽ ve vẩy đuôi, vẻ thân thiện.
Thấy vậy, cu Tèo thích lắm. Nó vừa vỗ vỗ lên lưng Tai To vừa nhỏ nhẹ "dụ khị":
- Mày ở lại đây làm bạn với tao nhé! Mấy con chó kia không dám làm gì mày đâu! Ðứa nào gây sự với mày, tao sẽ phạt ngay tắp lự!
Tai To cúi đầu ra dáng ngẫm nghĩ. Tai To không biết cu Tèo nói gì nhưng qua cử chỉ và giọng điệu của người bạn nhỏ, nó cũng lờ mờ đoán ra cu Tèo muốn được kết bạn với nó.
Tuy mới gặp cu Tèo lần đầu nhưng Tai To cảm thấy rất mến chú nhóc này. Chú Xuân cũng vậy, lâu nay Tai To vẫn rất mến chú. Nhưng dù sao Tai To cũng không muốn ở lại đây. Nó nhớ nhà. Sự quyến luyến với những người chủ cũ khiến nó không muốn rời xa nơi ăn chốn ở quen thuộc. Tất nhiên gia đình nhỏ Hạnh không phải là những người chủ đầu tiên của Tai To. Tai To ra đời ở một nơi khác. Nhưng rời bỏ nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình từ hồi mới mấy tháng tuổi nên Tai To chẳng nhớ gì nhiều, cũng chẳng có bao lăm kỷ niệm để nhớ. Những ngày tháng sống ở nhà nhỏ Hạnh lại khác. Sự trìu mến, ân cần mà ông bà chủ, dì Khuê và nhỏ Hạnh dành cho nó khiến nó vô cùng cảm kích. Cậu chủ nhỏ thỉnh thoảng giở những trò tai ác làm nó nhiều phen hoảng vía nhưng dù sao cậu cũng không nặng tay nặng chân lắm. Lúc còn ở nhà, Tai To cũng hơi giận cậu một chút đỉnh nhưng bây giờ lưu lạc nơi "đất khách quê người", nó đã quen béng mọi hờn dỗi. Lòng nó bây giờ chỉ tràn ngập nhớ nhung.
Lòng nặng trĩu, chiều đó Tai To bỏ ăn. Trong khi đám bạn của nó sục mõm vào những tô cơm trước mặt táp lấy táp để, vừa táp vừa ủi để dò tìm thịt cá, chốc chốc lại gấu ó giành giựt nhau vì một khúc xương trong tô chợt bắn ra đất, thì Tai To chỉ kề mũi vào tô cơm của mình đánh hơi qua loa rồi uể oải nằm mọp xuống, đưa cặp mắt buồn bã nhìn ra khoảnh sân đang vò võ nắng chiều.
Vẻ thẫn thờ của Tai To làm Cô Lài chột dạ. Cô lo lắng nhìn chồng:
- Nó không chịu ăn kìa anh!
Chú Xuân nhún vai:
- Em đừng lo! Mới về nhà lạ, chú chó nào chả vậy! Ðến khi đói bụng lại cuống quít lên ngay thôi!
Nhưng lời tiên đoán của chú Xuân không đúng với trường hợp của Tai Tọ Trưa hôm sau, Tai To vẫn tiếp tục "tuyệt thực". Rồi đến bữa tối, nó cũng không buồn ăn. Nó nhìn tô cơm đầy thịt cá cô Lài dành riêng cho nó bằng ánh mắt hờ hững và rầu rĩ.
- Không xong rồi anh ạ! - Cô Lài lắc đầu - Nếu cứ nhịn đói như thế này, Tai To sẽ chết mất thôi!
Chú Xuân cũng chẳng biết làm sao đành thở dài:
- Ðợi thêm ngày mai nữa xem sao! Nếu nó vẫn cứ bỏ ăn, chắc ta phải trả nó về cho chủ cũ thôi!
Cu Tèo nãy giờ thấp thỏm theo dõi cuộc cuộc đối đáp của ba mẹ, nghe vậy liền giãy nảy:
- Con không chịu đâu! Con không chịu đâu! Tai To phải ở với con!
Nói xong, nó òa lên khóc. Rồi thấy khóc cũng chẳng ăng thua gì nó ngồi xuống ôm lấy Tai To, hạ giọng năn nỉ:
- Ăn đi Tai To! Tao lạy mày đấy! Ăn đi, ăn một chút xíu thôi cũng được!
Nghe cu Tèo dỗ, Tai To khẽ ve vẩy đuôi nhưng vẫ không nhúc nhích. Nó liếc tô cơm với vẻ thờ ơ, lạnh nhạt.
Cô Lài dịu dàng xoa đầu con:
- Con không dỗ được nó đâu! Nó đang nhớ chị Hạnh với anh Tùng đấy! Cũng như con vậy, đi đâu xa mà con chẳng nhớ nhà!
Cu Tèo biết mẹ nói đúng. Vì vậy nó cứ thấy buồn buồn làm sao! Từ lúc đó cho đến trước khi đi ngủ, nó cứ ôm khư khư lấy Tai To như sợ ba mẹ nó sẽ thình lình đem Tai To đi mất.
Nhưng chú Xuân chưa kịp đem Tai To đi trả thì nó đã tự động trở về nhà.
Tối đó, Tai To không hề chợp mắt. Nó thức suốt đêm dùng răng nhay nhay sợi dây da và đến tờ mờ sáng hôm sau thì sợi dây bị cắn đứt.
Không kịp nghĩ lấy sức, vừa được tự do, Tai To đã vội vàng phóng vụt ra cổng trước những cặp mắt ngỡ ngàng của lũ bạn đang nằm rải rác trong sân. Một vài con chồm dậy. Nhưng chúng không sủa, chỉ tò mò ngơ ngác trông theo.
Những con chó nhà chú Xuân không lên tiếng nhưng lũ chó của những căn nhà hai bên đường thì cứ sủa nhặng mỗi khi cái bóng trắng của Tai To lướt qua. Mặc dù lũ chó bép xép này chỉ xồ ra cổng ngoác mồm "ăng ẳng" chứ không rượt theo, Tai To vẫn cong đuôi chạy bán sống bán chết.
Mãi đến khi ra tới cánh đồng dẫn về phía bờ kinh, Tai To mới dần dần trấn tĩnh và chậm bước lại. Nó thong thả chúi mũi xuống đất đánh hơi dò đường và tiếp túc lần ngược theo lối cũ.
Khi mặt trời nhô lên khỏi những mái nhà thấp thì Tai To cũng vừa tới bờ kinh. Nó bồn chồn chạy ngược xuôi, cặp mắt hoang mang nhìn xuống dòng nước đen ngòm, không biết làm cách nào để vượt qua. Ðã mấy lần Tai To dọ dẫm lại sát mép nước, rụt rè thò một chân xuống lòng kinh nhưng dòng nước lạnh buốt như cắn vào da khiến nó sợ hãi rụt chân lạị
Cuối cùng, Tai To quyết định chui vào ngồi thu lu trong bụi rậm ven đường vừa nghỉ mệt vừa chờ đợi.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau, những bóng người đầu tiên xuất hiện bên bờ kinh. Một tốp người khác lũ lượt kéo tới liền sau đó. Rồi tiếp theo là những người cỡi xe đạp và xe gắn máy. Tất cả đều đổ về phía bến đò. Những tiếng trò chuyện râm ran xen lẫn tiếng động cơ làm quãng kinh vắng bỗng chốc ồn lên như đang họp chợ.
Tai To vẫn nấp kín trong bụi rậm hồi hộp và láo liên quan sát. Mãi khi chiếc đò máy từ bờ bên kia cập bến, nó mới vội vàng chui ra và khôn ngoan len lỏi vào đoàn người đang lục tục lên đò.
Chẳng ai để ý đến nó. Chỉ đến khi đò ra tới giữa dòng mới có người trầm trồ reo lên:
- Ôi, con chó của ai mà xinh quá thế này!
Lúc ấy mọi người mới đổ dồn mắt về phía Tai To. Và người nào người nấy đều bật lên những tiếng tấm tắc. Không ai nghĩ một con chó xinh như thế lại là một con chó vô chủ. Họ cứ đinh ninh chủ nhân của nó là một khách đi đò nào đấy. Cũng may cho Tai To, chứ nếu biết nó thân đơn thế cô, không khéo một tay bợm nào đó lại tìm cách bắt mất.
Ðò vừa cập bến, Tai To nôn nóng vượt lên trước và thoắt một cái, nó đã ở trên đường. Ðể đề phòng mọi bất trắc, chân vừa chạm đất là nó co giò phóng đi ngay. Chạy được một quãng, nó cảnh giác ngoái đầu lại phía sau. Khi không thấy gì khả nghi, nó mới dừng lại cúi xuống đánh hơi và mừng rỡ nhận ra những dấu vết quen thuộc.
Khi chạy đến đầu đường Nguyễn Tri Phương thì Tai To có cảm giác đã gần đến nhà lắm rồi. Tim đập giục giã trong ngực, nó hối hả sải bước.
Nhưng đang chạy bon bon, Tai To bỗng sựng lại. Ngay chỗ cua quẹo cuối cùng, hai con chó to đùng đang đứng lù lù, nom chẳng khác nào hai con sư tử.
Thế này thì gay rồi! Tai To lo lắng nhủ bụng và cố ra vẻ hiền lành vô hại, nó hãm đà phi lại, lững thững đi từng bước một, vừa đi vừa thận trọng dò xét thái độ của hai con chó cản đường kia.
Nhưng kế hoạch của Tai To nhanh chóng bị phá sản. Vẻ nhu mì của nó chẳng khiến hai tay anh chị kia động lòng tí ti nào. Nó vừa bén mảng lại gần, cả hai lập tức dạng chân gân cổ sủa gây gâu, lông lá xù cả lên, đầy dọa nạt.
Tai To thót bụng lại. Nó định nhắm mắt nhắm mũi phóng vèo qua nhưng những chiếc nanh nhọn hoắt, trắng ỏ của hai tay hộ pháp khiến nó đâm chợn. Ðể những chiếc nanh đó cắm vào người thì cứ gọi là đi đứt!
Sau một thoáng phân vân, Tai To quyết định đi vòng. Nó vội vàng chạy trở lui và đến khi thấy hai con chó kia không tỏ vẻ gì muốn đuổi theo, nó liền băng qua đường và lao vụt về phía ngã tư. Ðể cho chắc ăn, Tai To đánh thêm một vòng rộng quanh bùng binh trước khi tấp vào lề đường.
Nhưng Tai To chưa kịp vào đến lề thì một chiếc xe tải đã bất thần trờ tới.
Những người đi đường thất thanh la lên:
- Tốp! Tốp! Tốp lại!
- Thôi rồi! Chết mất con chó nhà ai rồi!
Dĩ nhiên Tai To không thể nghe thấy những tiếng la hốt hoảng đó. Tiếng gầm rú khủng khiếp của động cơ đã làm tai nó ù đặc và trong khi chưa kịp hiểu ra chuyện gì, nó chợt kinh hoàng đến co rúm người lại khi kèm theo những tiếng nổ xé tai kia, một bóng đen đồ sộ như một trái núi hùng hổ chồm lên người nó.
Trong nháy mắt, chiếc xe tải đã nuốt gọn chú cún bất hạnh vào bụng. Tội nghiệp Tai To! Nóng lòng trở về với những người chủ cũ, nó đã tận lực vượt qua một chặng đường dài bất chấp hiểm nguy và vất vả nhưng khi sắp về đến nhà thì tai họa thình lình ập đến...Chương 10
Máu trong người Tùng như đông cứng lại, mặt cắt không còn hột máu.
Tên béo một tay cầm dao, tay kia thò vào túi quần rút ra một chiếc khăn ố bẩn.
- Chú mày đừng lo! - Hắn cười hì hì - Bọn này chỉ khóa mõm chú mày trong chốc lát để chú mày khỏi la lên thôi! Khi bọn này đã thoát thân an toàn rồi...
Tên béo đang vung vít thì tên gầy sầm mắt quát:
- Ðừng ba hoa nữa! Hành động lẹ lên!
Giọng điệu của tên gầy rõ là giọng thủ lĩnh. Tên béo tuân lệnh răm rắp. Hắn thộp cổ Tùng, vẻ tươi cười biến mất:
- Há miệng ra!
Vẻ mặt hung dữ của tên trộm khiến Tùng sợ hãi. Khổ nỗi, càng sợ quai hàm của Tùng càng cứng đờ, không làm sao nhúc nhích được.
- Bướng hả! - Tên béo gí lưỡi dao nhọn hoắt vào cổ Tùng - Há ra không?
Nói xong, chợt nhìn thấy ánh mắt bất thần của Tùng, biết thằng nhóc đang sợ vãi cả mật, không thể há miệng được tên béo liền tóm lấy quai hàm của Tùng bóp mạnh, và miệng Tùng vừa hé ra hắn đã lẹ làng nhét vội chiếc khăn vào làm Tùng muốn nghẹt thở.
Trong khi đó, tên gầy nhanh nhẹn giựt những sợi dây điện ra khỏi ổ cắm rồi bẻ quặt hai cánh tay Tùng ra sau lưng, mím môi trói nghiến lại.
Tùng cứ đứng trơ ra như tượng gỗ, mặc hai tên trộm muốn làm gì thì làm. May mà hai tên trộm chỉ muốn bịt mồm và trói gô Tùng lại để lặng lẽ chuồn êm, chứ nếu chúng nổi hứng muốn "băm vằm tùng xẻo", Tùng cũng chẳng có cách nào chống đỡ.
Tên gầy trói xong hai tay Tùng, liền ngồi thụp xuống định trói nốt hai chân. Nhưng hắn mới quấn sợi dây quanh chân Tùng được hai, ba vòng, chưa kịp thắt nút, đã vội ngừng tay lại, mặt biến sắc. Ngoài cửa trước, tiếng chó sủa thình lình vang lên, mỗi lúc một dữ dội. Có cả những tiếng chân cào mạnh vào tấm cửa lưới.
Nhận ra tiếng sủa của Tai To, Tùng như người chết sống lạị Mặt nó trở nên hồn hào và nỗi hoang mang kinh khiếp đã nhanh chóng rời bỏ trái tim không ngừng co thắt nãy giờ của nó, thay vào đó là một niềm vui tràn bờ, một nỗi ngạc nhiên mừng rỡ. Thế là tụi mày hết thoát! - Tùng hân hoan nhủ bụng - Tai To đã trở về, có nghĩa là chú Xuân đã đến kịp lúc. Chú Xuân mà xông vào, hô hoán lên thì tụi mày cứ coi như là nằm trong rọ!
Ở điểm này, Tùng đã đoán sai Tai To chỉ trở về một mình. Vừa rồi, trước khi về đến nhà, Tai To đã xuýt chết trong đường tơ kẽ tóc. Lúc chiếc xe tải hùng bục lao đến, Tai To hồn vía đã lên mây. Bụng chết điếng, nó chỉ biết rúm người lại nằm mọp một chỗ chờ tử thần tới rước đi.
May làm sao, Tai To lại nằm lọt thỏm ngay chính giữa bụng xe nên không bị những chiếc bánh khổng lồ cán phải. Nó không chết, chỉ bị một phen vãi đ ái. Và khi con quái vật dữ tợn với những tiếng gầm gừ không khác gì sấm sét kia đã lướt qua rồi, Tai To mới hoàn hồn chạy vội vô lề trước những tiếng reo hò của khách đi đường.
Từ chỗ Tai To suýt bị cán chết đến chiếc cầu thang dẫn lên nhà nhỏ Hạnh chỉ cách chừng năm mươi mét nên Tai To chỉ khua chân vài lượt là đến. Càng gần đến nhà nó càng quýnh quíu. Tim đập thình thịch, nó phóc vội lên cầu thang, hấp tấp đến nỗi cứ té lên té xuống. Và khi tấm cửa lưới quen thuộc hiện ra trước mắt, Tai To mừng rỡ đến phát điên. Nó vừa sủa vừa đập cửa liên tục, điệu bộ nóng nảy và cuống cuồng.
Những ồn ào do Tai To gây ra làm náo động những căn hộ chung quanh. Nhà nào nhà nấy đều thò đầu ra dòm. - Có chuyện gì vậy kìa? - Một người hỏi.
- Nhà này đi đâu mà nhốt con chó ở ngoài như thế này!
Ông tổ trưởng tổ dân phố lẩm bẩm và rảo bước lại trước nhà Tùng. Ông nhướn mắt nhìn vào trong, hắng giọng kêu: - Có ai ở nhà không?
Không nghe tiếng trả lời, ông tổ trưởng tỏ vẻ ngạc nhiên. Rồi thấy Tai To vừa rít vừa sủa quýnh lên, ông càng sinh nghi. Ðiệu bộ hoảng loạn của con vật có vẻ gì đó không bình thường. Hay trong nhà đã xảy ra chuyện gì chăng? Ý nghĩ đó khiến ông giật thót. Không chần chừ, ông cầm lấy cánh cửa kéo mạnh.
Ông hoàn toàn không ngờ cửa không gài chốt bên trong. Cánh cửa khép hờ bất thần bung ra theo đà kéo khiến ông loạng choạng suýt ngã, trong khi đó Tai To đã bắn vụt vào nhà như một tia chớp.
Ngay từ khi nghe tiếng con Tai To sủa vang, hai tên trộm đã mặt mày nhớn nhác. Trước khi quyết định đột nhập, hai tênd đã cẩn thận dọ thám nhà Tùng cả tuần lễ nay. Cách đây hai hôm, khi biết con Tai To đã được đem cho, cả hai mới bàn nhau kế hoạch lẻn vào lấy trộm. Không ngờ trong lúc mọi chuyện đang suôn sẻ thì Tai To đột ngột trở về. Tên gầy chẳng buồn trói chân Tùng nữa. Cửa trước bị chặn khiến hắn quýnh quáng. Liệng bừa sợi dây điện ra đất, hắn vọt ra hành lang phía sau tìm đường thoát. Nhưng thoáng một cái, hắn đã thất vọng quay vàọ Hành lang phía sau bị bít. Nhảy qua lan can có thể xuống dưới nhưng lại lọt vào... một căn nhà khác ở tầng trệt.
Trong khi bọn trộm chưa nghĩ ra kế gì thoát hiểm, giọng nói của ông tổ trưởng lại vang lên đằng trước nhà càng làm chúng thêm luống cuống.
- Lên trên kia thử xem!
Tên béo trỏ tay lên gác và không cần biết tên gầy đồng ý hay không, hắn lật đật chạy lại chỗ tủ quần áo cúi xuống xách chiếc giỏ lác đựng đầu máy vi-đê-ô rồi nhảy phóc về phía cầu thang.
Hắn thò tay ra định xô Tùng xuống đất để lấy đường leo lên nhưng tay hắn chưa kịp chạm vào người Tùng thì Tai To đã vào tới nơi. Thấy cậu chủ nhỏ đang bị lâm nguy, Tai To lập tức lao mình về phía cầu thang, táp mạnh vào bắp chân tên béo.
- Ui da!
Tên béo kêu lên đau đớn và phẫn nộ. Rôi nghiến răng ken két, hắn rảy mạnh chân cố làm văng con chó nhỏ ra. Nhưng Tai To càng khép chặt quai hàm, thà bị kéo lê trên sàn theo đà chân tên béo chứ nhất quyết không chịu buông tha đối thủ.
Thấy tên đồng bọn dùng dằng với con chó nhỏ hoài, tên gầy sốt ruột chạy lại trợ giúp. Hắn co chân đá phốc vào hông Tai To khiến con chó tội nghiệp bắn vào tường đánh "bốp" và rơi bẹp xuống sàn nhà.
Tai To kêu lên thảm thiết và cố nhỏm dậy, nhưng vừa đứng lên nó đã ngã quỵ ngay xuống.
Nhìn Tai To nằm mọp dưới sàn nhà thở dốc, Tùng nghe như có ai xát muối vào lòng mình. Bất chấp miệng bị nhét giẻ và hai tay bị trói, từ lưng chừng cầu thang nó nhảy phóc một phát xuống đất. Và tất nhiên, không thể giữ thăng bằng với hai tay bị bẻ quặt sau lưng, Tùng ngã chúi vào chiếc bàn để ti-vi và đổ kềnh ra đất. Thừa dịp đó, hai tên trộm hè nhau chạy lên gác.
Ông tổ trưởng cùng bác Ðực hàng xóm bước vào đúng lúc Tùng đang giãy giụa cố tìm cách ngồi dậy.
- Trời đất! Chuyện gì thế này?
Ông tổ trưởng hớt hải kêu lên và chạy bổ lại chỗ Tùng. Ông vội vàng đỡ nó dậy, miệng hỏi lia:
- Sao vậy cháu? Ai trói cháu vậy?
Rồi thấy Tùng cứ a ú ớ, ông chợt phát hiện miệng nó đang bị nhét giẻ liều thò tay lôi chiếc khăn ra, hấp tấp hỏi: - Ai nhét giẻ vô miệng cháu vậy?
Tùng thở hắt ra:
- Trộm! Có hai tên! Chúng chạy lên gác rồi!
Tùng vừa nói dứt câu, bác Ðực đã phóng một cái tên tới ba bậc thang. Và thêm ba cú nhảy nữa bác đã biến mất. Ông tổ trưởng cũng không chịu thua. Ông đảo mắt một vòng, vớ vội chiếc chổi lông gà treo trên vách rồi chạy theo bác Ðực.
Quá hăng hái bắt trộm, hai người quên béng chuyện cởi trói cho Tùng. Nhưng đối với Tùng, bị trói hay không bị trói bây giờ không phải là điều quan trọng. Tim nó đang thót lại vì lo lắng cho Tai To.
Tùng lê bước lại phía chú cún thân yêu đang nằm thiêm thiếp, lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh. Không thể đưa tay vuốt ve Tai To, nó sụt sịt nói:
- Cho tao xin lỗi mày, Tai To nhé!
Ðang nhắm nghiền, nghe tiếng Tùng, Tai To từ từ mở mắt ra, đuôi khẽ ve vẩy. Ðôi mắt mệt mỏi của nó ánh lên nỗi mừng vui, âu yếm. Tùng mừng lắm, mặt nó rạng lên:
- Như vậy là mày tha lỗi cho tao rồi phải không Tai To?
Nhưng lần này, Tai To không trả lời Tùng. Ðầu nó vừa hơi ngẩng lên đã gục xuống, cặp mắt vừa mở ra chưa kịp bộc lộ hết niềm vui đã nặng nề khép lại. Hình ảnh thảm não của Tai To khiến Tùng chết điếng.
- Tai To ơi, mày đừng chết! Mày đừng bỏ tao nhé, Tai To! - Nó bật khóc hu hu.
- Nín đi cháu! Con Tai To của cháu không chết được đâu!
Tiếng bác Ðực vang lên. Bác từ trên thang gác bước xuống, theo sau là ông tổ trưởng tay cầm chiếc giỏ lác.
- Ơ, thế hai tên trộm đâu rồi? - Tùng bật hỏi.
- Chúng thoát rồi! - Ông tổ trưởng nhún vai, vẻ tiếc rẻ - Có lẽ khi nghe tiếng chân của hai bác chạy lên, bọn chúng liền chuồn ra cửa sổ, đu qua mái ngói và chạy về hướng bờ kinh.
Rồi ông đặt chiếc giỏ lác xuống đất, loay xoay lôi chiếc đầu máy ra:
- Rốt cuộc chúng đành phải vứt thứ này lại...
Ðang nói, nhác thấy hai tay Tùng vẫn còn bị trói, ông trợn tròn mắt:
- Ơ!
Nhưng ông tổ trưởng chưa kịp chạy lại thì bác Ðực đã nhanh nhẹn tháo dây trói cho Tùng.
Hai tay vừa cử động được, Tùng đã vội cúi xuống định bế Tai To vào lòng. Nhưng Tùng vừa chạm đến nó, chưa kịp nhấc lên, Tai To đã kêu "ẳng" một tiếng khiến Tùng hoảng hồn rụt tay lại.
- Nó còn đau đấy! - Bác Ðực nói.
Tùng đang định hỏi lại thì bỗng có tiếng kẹt cửa.
Rồi dì Khuê xuất hiện với giỏ đồ chợ trên tay. Mắt dì tròn xoe:
- Ôi, nhà ta hôm nay có chuyện gì mà đông đúc vui vẻ thế?
Chợt nhìn thấy Tai To nằm kế bên Tùng, dì sửng sốt kêu lên:
- Ôi, có cả Tai To nữa! Nó về lúc nào thế này?
Khi dì Khuê vừa bước vào, miệng Tùng đã mếu xệch, mừng mừng tủi tủi. Bây giờ nghe dì hỏi, nó liền rơm rớm nước mắt:
- Tai To mới về khi nãy! Nó về để cứu cháu đấy!
- Cứu cháu? - Dì Khuê không hiểu - Cháu làm gì mà cứu?
- Ối, bà chị ơi! - Ông tổ trưởng chen lời - Trộm mới vào nhà bà chị đấy! Nếu không có con chó này đánh động thì trộm đã khoắng hết đồ đạc trong nhà bà chị rồi!
Ðến bây giờ dì Khuê mới phát hoảng. Dì thả giỏ đồ chợ xuống đất một cái "bịch", hai tay áp lên ngực:
- Trời đất thiên địa ơi! Có chuyện đó sao? - Rồi dì thẫn thờ chép miệng - Thế này thì chết mất! Chết mất!
Bác Ðực cười:
- Chẳng có ai "chết mất" trong chuyện này đâu! Người ngợm, của cải vẫn còn nguyên cả đấy! Thôi, tụi này về nhé!
Trước khi ra khỏi cửa, bác còn nói thêm:
- Muốn biết chi tiết thì hỏi thằng Tùng! Tội nghiệp, thằng bé vừa rồi phải một phen vỡ mật đấy!
Câu chuyện của Tùng khiến dì Khuê xanh mặt. Dì hồi hộp đến mức quên cả mắng nó về tội không chịu khóa cửa. Hai tay hết xoa ngực lại vò đầu, dì xuýt xua luôn miệng:
- Chết mất! Chết mất!
Khi Tùng kể xong, dì ngẩn ra:
- Tối nay phải qua nhà bác Ðực và bác tổ trưởng tạ ơn mới được! Khi nãy hoảng quá dì quên béng cả cám ơn!
Rồi dì xích lại gần Tai to, dịu dàng vuốt ve bộ lông mềm mại của nó:
- Tai To ngoan lắm! Tai To biết về kịp lúc để cứu chủ đấy! Tai To...
Ðang nói nửa chừng, dì bỗng quay phắt sang Tùng:
- Ủa, Tai To về với ai thế?
- Chú Xuân dẫn về.
- Thế chú Xuân đâu?
Tùng ngơ ngác:
- Cháu cũng chẳng biết!
Ðến bây giờ Tùng mới sực nhớ từ nãy đến giờ chả thấy chú Xuân đâu. Ðang thắc mắc, Tùng chợt nghe dì Khuê bàng hoàng buột miệng:
- Thôi rồi, không phải Tai To về với chú Xuân đâu! Nó về một mình đấy!
Tùng ngạc nhiên:
- Sao dì biết ?
Dì Khuê chỉ tay vào chiếc vòng trên cổ Tai To:
- Cháu xem này! Sợi dây da còn dính một khúc ở chiếc vòng đây này! Như vậy là nó cắn đứt dây trốn về!
Phát hiện của dì Khuê khiến Tùng bất giác nghe cay cay nơi sống mũi. Như vậy rõ ràng Tai To đã tìm cách tháo thân về đây. Nó không nỡ rời xa những người chủ cũ. Mặc dù trong những người chủ cũ đó, Tùng đối xử với nó chẳng ra gì. Hôm trước, cô Tú Duyên bảo chó là con vật gần gũi và trung thành nhất của con người, Tùng không tin. Với những mẩu chuyện cảm động cô kể, tuy Tùng không nói ra miệng nhưng lòng nó đầy rẫy những nghi ngờ. Nó nghĩ những mẩu chuyện đó là do người ta bịa ra thôi. Nhưng bây giờ thì Tùng đã tin lắm. Tai To đã chứng minh cho Tùng thấy những câu chuyện của cô giáo không phải là sai ngoa. Nếu Tùng biết trên đường trở về cứu chủ Tai To đã phải chui vào bụi rậm đợi đò như thế nào, đã bị xe cán suýt chết ra sao, có lẽ nó sẽ bùi ngùi thương cảm không để đâu cho hết.
Buổi trưa đi làm đi học về, mẹ và nhỏ Hạnh mừng rỡ và cảm động đến ứa nước mắt khi nhìn thấy Tai To và nghe dì Khuê kể lại sự trở về ngoạn mục, kịp thời cũng như cuộc chiến đấu dũng cảm chống lại kẻ trộm của nó. Dì kể sôi nổi, lưu loát, sinh động cứ như thể dì tận mắt chứng kiến mọi chuyện này.
Trưa đó, ai nấy đều tíu tít vây quanh Tai To. Mẹ lấy thuốc cho nó uống. Dì Khuê xức dầu khắp mình mẩy và chân cẳng nó, vừa xức vừa xuýt xoa:
- Ôi chao, tội nghiệp quá! Ráng chịu đau một chút nghe "cưng"!
Nhỏ Hạnh thì lăng xăng pha sữa. Nó đẩy chén sữa lại trước mõm Tai To, dỗ dành như dỗ em bé:
- Uống đi "em"! Nghe lời chị đi! Uống hết chén sữa này rồi ngủ một giấc cho khỏe!
Trước đây nhìn những cảnh như thế, nghe những câu như thế, máu ghen tị đã khiến Tùng nổi dóa lên rồi. Nhưng hôm nay lòng nó bỗng dưng dịu dàng quá đỗi. Không những không hề khó chịu, nó còn chạy lại giúp sức cho bà chị. Nó quỳ xuống bên cạnh Tai To, nhẹ nhàng vuốt ve đôi tai dài của chú cún thân thương, giọng âu yếm:
- Uống đi "em"! Giỏi nào, uống đi!
Nói xong, Tùng bỗng đỏ bừng mặt khi sực nhận ra mình vừa buột miệng gọi Tai To bằng "em", một từ ngữ mà trước đây mỗi khi nghe dì Khuê và nhỏ Hạnh dùng để gọi Tai To nó cảm thấy bực tức vô cùng.
Nhưng dường như chắng ai để ý đến vẻ thẹn thùng ngượng ngập của Tùng. Cũng chẳng ai thấy lạ khi nghe Tùng gọi Tai To bằng tiếng "em" trìu mến. Ai nấy đều chăm chú quan sát từng cử động khó khăn của Tai To bằng vẻ mặt lo âu. Ðến khi thấy Tai To sau một hồi gắng gượng đang từ từ đứng lên và chậm chạp thè lưỡi vào chén sữa, mặt người nào người nấy dãn ra và bốn cái miệng đều đồng loạt buột ra một tiếng reo khẽ.
Suốt từ lúc đó cho đến tối, không khí trong nhà lúc nào cũng rộn ràng như ngày hội. Ba về, hòa vào niềm vui chung cả nhà bằng một câu bông đùa:
- Thế là từ nay hai con hổ có thể sống chung trong nhà ta rồi đấy!
Không khí ở nhà đã khác thì không khí ở trường tất nhiên không thể giống như cũ.
Lần này tin tức về Tai To do chính Tùng nói ra chứ không phải qua cái miệng hớt lẻo của thằng Ðạt.
Tụi bạn nghe Tùng kể về kỳ công của Tai To mồm đứa nào đứa nấy cứ há hốc lên như đang xem phim trinh thám.
Ðạt hít hà:
- Ối trời! Sợi dây da chắc thế kia mà Tai To cắn đứt thì răng nó bén phải biết nhé!
Ðứa khác trầm trồ:
- Kinh Tàu Hủ mà nó vượt qua được thì cứ gọi là bái phục!
Nghị rùng mình:
- Bay vào táp tên trộm và đeo toòng teng trên bắp chân hắn không chịu nhả thì quả là gan lì tướng quân! Tao chưa từng thấy một con chó như thế bao giờ!
Cứ thế, mỗi đứa một câu, tất cả xúm vào ồn ào tấm tắc khiến Tùng sướng rên. Sướng nhất là mải hào hứng khen ngợi Tai To, chả đứa nào nhớ đến chuyện bạc đãi của Tùng đối với Tai To trước đây.
Trong bọn, chỉ có Cúc Phương là chán nhất. Nó chả buồn quan tâm đến những màn chiến đấu ly kỳ hồi hộp của Tai To như tụi con trai. Nghe Tùng kể tai To vì liều mình cứu chủ mà bị tên trộm đá trọng thương phải nằm liệt từ hôm qua đến giờ, nó cứ ngồi sụt sà sụt sịt:
- Tội nghiệp Tai To quá! Chắc là nó đau lắm!
Nghị mến Tai To không kém gì Cúc Phương. Nó an ủi bạn:
- Nín đi! Chốc nữa tan học tụi mình chạy lại thăm Tai To chứ lo gì!
Tùng gật đầu vui vẻ:
- Ừ, lát nữa mình dẫn mấy bạn về thăm Tai To!
Khi nói vậy, Tùng tưởng chỉ có Nghị và Cúc Phương ghé nhà mình. Nào ngờ tiếng trống tan học vừa vang lên, cả lớp rùng rùng túa ra:
- Ði thăm Tai To! Ði thăm Tai To!
Thế là không ai bảo ai, cả bọn ùn ùn rồng rắn đi theo Tùng, Nghị và Cúc Phương khiến Tùng không có cách nào khác hơn là cắm cúi dẫn đường.
Bọn học trò lúc nhúc chen nhau lên cầu thang khiến dãy phố Tùng ở mọi người nhốn nháo không hiểu chuyện gì. Dì Khuê ra mở cửa cũng thất đảm:
- Ôi, có chuyện gì thế này?
Dì cứ ngỡ Tùng vừa gây ra đại họa gì. Ðến khi nghe Tùng bảo các bạn tới thăm Tai To, dì mới thở phào nhẹ nhõm và mở rộng cửa đón các bạn trẻ vào.
"Người bệnh" đang nằm "tịnh dưỡng" ở góc nhà thấy người ngợm không biết ở đâu kéo tới lố nhố đầy nhà, liền ngẩng đầu dáo dác nhìn quanh, vẻ hoang mang hiện rõ trong mắt.
Thấy vậy, Tùng quăng vội chiếc cặp lên bàn, chạy ùa lạị Nó vỗ vỗ lên lưng Tai To, trấn an:
- Ðừng sợ, Tai To! Bạn tao tới thăm mày đấy! Chả phải trộm đâu!
Ðược cậu chủ nhỏ vỗ về, Tai To nhanh chóng trấn tĩnh. Và đến khi thấy Nghị và Cúc Phương bước lại ngồi xuống bên cạnh, Tai To đã yên tâm lắm lắm. Nó khẽ ve vẩy đuôi tỏ ý chào hỏị Nó muốn nói rằng nó rất vui khi gặp lại hai người bạn nhỏ.
Thấy Nghị và Cúc Phương được "nhân vật quan trong" là Tai To "nghênh đón" một cách thân thiết, Ðạt cũng muốn lên mặt một chút với lũ bạn. Nó vạch đám đông chui vào và hùng hổ bế Tai To lên.
Nhưng nó chưa kịp ẵm Tai To vào lòng đã giật bắn người vì một tiếng quát sát bên tai:
- Bỏ xuống! Tai To đang bị thương mà mày xách bổng lên như thế làm sao nó chịu đựng được! Phải biết đối xử dịu dàng với loài vật một chút chứ!
Người vừa thốt lên câu đó là Tùng. Câu nói đầy vẻ "yêu thương loài vật" của nó "lạ lùng" đến mức lũ bạn chung quanh hầu như không tin vào tai mình. Nghị và Cúc Phương cũng tưởng mình đang nằm mơ. Chỉ có nhỏ Hạnh nằm trên gác thò đầu xuống theo dõi nãy giờ là mỉm cười ý nhị.
Trong khi bọn trẻ đang ngơ ngác, còn Ðạt thì đang ngượng nghịu đặt con Tai To xuống, ngoài cửa bỗng vang lên một giọng nói ồm ồm:
- Ông anh bà chị ơi! Tôi đến để xin tạ tội trước ông anh bà chị đây! Thật khốn khổ thân tôi, có con chó xinh thế mà cũng không biết cách giữ! Hôm qua đến nay tôi lùng sục tìm kiếm khắp nơi mà chẳng thấy tung tích nó đâu! Xin ông anh bà chị...
Nghe thoáng qua, dù chưa gặp mặt bọn trẻ vẫn biết ngay người vừa bước vào nhà là chú Xuân trong câu chuyện Tùng kể. Chú cừa than vãn vừa đi lần vào trong. Chợt chú đứng sững lại, hai hàng ria mép không ngừng nhúc nhích:
- Ái chà chà! Bộ nhà ta mở lớp dạy thêm hay sao mà học trò tụ tập đông đúc thế này?
Ðang nói, chợt nhận ra tụi "học trò đông đúc" này đang quây quần quanh một con vật gì trăng trắng, cặp mắt chú vụt trố lên:
- Ối! Ối! Ối!
Rồi chú bước tới một bước, sửng sốt:
- Phải mày đấy không?
Nín thở quan sát một hồi, biết chắc con vật trăng trắng mà tụi học trò đang bu quanh chính là con vật mà mình đã đi tìm toát mồ hôi hai này nay, chú sung sướng thở đánh thượt một cái, như trút bỏ một gánh nặng trong lòng. Vẻ rầu rĩ trên mặt chú lập tức biến mất. Tươi hơn hớn, chú bắt đầu bông đùa ngâm ngợi:
- Tai To ơi hỡi Tai To.
Nếu nghe tao gọi gì thò đuôi ra!
Tất nhiên Tai To chẳng thò đuôi cũng chẳng thò đầụ Nó đang mệt gần chết. Chỉ có bọn học trò là ôm bụng cười sặc cười sụa trước câu thơ nhuốm đầy vẻ hoạt kê của thú thôi!
| |