You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơnXem chủ đề mới hơnGo down Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Tin Học Văn Phòng
Hạ sĩ
Tin Học Văn Phòng

Hạ sĩ
Bài viết : 25
Ngày gia nhập : 03/07/2015

(e-CHÍP Online) - Cách đây khoảng hơn 10 năm, CNTT là một ngành "thời thượng". Khi đó, các trường đại học, cơ sở đào tạo về CNTT ồ ạt mở ra khắp cả nước và rất nhiều bạn trẻ không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của ngành học này...

Đổi mới đào tạo, rút dần khoảng cách  Image1

Từ thời điểm đó cho đến nay, nhu cầu nhân lực của ngành CNTT vẫn không ngừng tăng lên cùng với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nó trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, sản xuất. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, số lượng bạn trẻ chọn theo đuổi những ngành học về CNTT lại có chiều hướng giảm đi. Liệu có phải ngành CNTT đã trở nên kém sức hấp dẫn?

Nhu cầu nhân lực CNTT mỗi năm tăng 13%

Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, ước tính trong các năm tới, các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu tuyển dụng 411.000 người có trình độ chuyên môn về CNTT. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng cần khoảng 15.000 người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên để tham gia triển khai các dự án. Tuy nhiên, mỗi năm cả nước cũng chỉ đào tạo được khoảng 60.000 nhân lực, mà theo kế hoạch tổng thể về phát triển nguồn lực CNTT thì Việt Nam cần đến một triệu nhân lực vào năm 2020.

Rõ ràng, sự thiếu hụt nhân lực của ngành CNTT hiện nay và trong tương lai là cơ hội tốt cho các bạn trẻ. Theo nhận định của Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) thì không phải CNTT không còn hấp dẫn các bạn trẻ ngày nay mà thật ra CNTT đang có những chuyển biến lớn, gắn liền với những chuyển biến của khoa học công nghệ và nhu cầu ứng dụng công nghệ ngày càng cao của xã hội hiện đại. Nếu trước kia nói đến CNTT người ta chỉ nghĩ đến công việc lập trình, gắn liền với những phần mềm tin học hay công việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng phần cứng máy tính thì ngày nay CNTT cần được nhìn nhận một cách “hiện đại” hơn. Đó là những khái niệm, kỹ thuật, ứng dụng liên quan đến cả hệ thống thông tin, bảo mật thông tin, quản trị hệ thống mạng máy tính và truyền thông, công nghệ phần mềm,… mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đang ứng dụng rộng rãi thông qua hệ thống website, mạng máy tính, cơ sở dữ liệu, các phần mềm, hệ thống thông tin lưu trữ,… Ứng dụng CNTT vào các thiết bị hiện đại như smartphone, iPad, máy tính bảng,… sẽ là những vấn đề luôn nhận được sự quan tâm từ giới trẻ.

“Để đáp ứng nhu cầu nhân lực rất lớn của ngành hiện nay, Đại học Công nghệ TP.HCM đã có những điều chỉnh trong định hướng và chương trình đào tạo vừa bám sát nhu cầu chất lượng nhân lực, vừa tạo được tính mới mẻ, hấp dẫn của ngành đối với học sinh để thỏa niềm đam mê khám phá, thể hiện năng lực của các em”, Thạc sĩ Quốc Anh chia sẻ.

Cần nhìn nhận rằng, định hướng đào tạo về CNTT tại nhiều trường đại học vẫn đi theo lối mòn cho mục tiêu nghiên cứu. Nhiều nơi coi đây như là thước đo sự thành công trong quá trình học tập của sinh viên. Trong khi nhu cầu cần đến là việc giải quyết các bài toán thực tế thì không được nhiều khoa CNTT các trường đại học chú trọng. Hệ quả của việc này dẫn đến sự bỡ ngỡ của nhiều bạn sinh viên CNTT sau khi ra trường và chạm trán thực tế với nhu cầu của các công ty. Chưa kể, đa phần nhu cầu về kỹ sư CNTT trong nước đều hướng đến công việc gia công, kiểm thử phần mềm cho nước ngoài. Trong khi hạn chế về ngoại ngữ của sinh viên ngành này cũng khó đáp ứng được nhu cầu làm việc với các đối tác nước ngoài.

“Tình trạng xin việc khó khăn mà không nhìn ra được phương hướng giải quyết dẫn đến nhiều bạn bỏ nghề để chuyển hướng. Hiệu ứng dây chuyền từ đây đem đến sức hấp dẫn cho ngành CNTT ngày càng giảm mạnh”, Tiến sĩ Đặng Thanh Dũng, Trưởng khoa CNTT trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhận xét.

Đổi mới đào tạo CNTT thế nào?

Để trang bị tốt nhất cho sinh viên những kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cũng như cung ứng được cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng tốt, việc liên kết với các doanh nghiệp đang là một định hướng được nhiều trường đại học, cao đẳng thực hiện. Đây là định hướng đúng để đào tạo một lớp sinh viên CNTT hiệu quả.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng nên có những hoạt động liên kết chặt chẽ, chi tiết hơn là việc chỉ đảm bảo chỉ tiêu và chất lượng học bạ để cung cấp cho doanh nghiệp mà không nhắm đến nhu cầu thực tế”, Tiến sĩ Đặng Thanh Dũng nói.

Nhiều trường hợp, để nhanh chóng lấp đầy khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế, một số doanh nghiệp và trường đại học vội vã mang những chuyên đề đặc thù - thậm chí là các phần mềm đặc thù của doanh nghiệp - vào môi trường đại học. Hay một số doanh nghiệp thậm chí đã cử chuyên gia đến tận các trường giảng dạy một số môn đặc thù như là một môn học chính quy. Thế nhưng, điều này vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi, bởi lẽ dù là chuyên gia nhưng không phải ai cũng có khả năng sư phạm khiến việc tiếp thu của sinh viên ít nhiều bị hạn chế.

Vậy, làm sao lấp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế? Nhu cầu thực tế thì thiên hình vạn trạng, không chỉ riêng cho ngành CNTT mà cho tất cả các ngành nghề khác trong xã hội. Do vậy, khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng chỉ có thể rút ngắn phần nào, giúp sinh viên nhanh chóng tiếp cận kiến thức thực tế chứ không thể lấp được hoàn toàn khoảng cách nói trên.

“Nếu doanh nghiệp nào cũng muốn sinh viên ra trường làm việc được ngay, đó là bài toán bất khả thi. Mặt khác, nếu doanh nghiệp nào cũng muốn đưa lĩnh vực của mình “nhúng” vào trường đại học thì chương trình sẽ “phình to” đến bao nhiêu, và làm sao để sinh viên có thể tiếp thu hết được”, đại diện một doanh nghiệp phần mềm chia sẻ.

Tất nhiên, mỗi trường sẽ có cách thức, chiến lược riêng trong việc thực hiện liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, nhưng mục tiêu cần đạt được chính là sự thực chất và tính chất thường xuyên, liên tục của hoạt động này. Chẳng hạn như khoa CNTT trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đang liên kết đào tạo trực tiếp với công ty Fsoft và đã đạt được những hiệu quả ban đầu. Lứa sinh viên CNTT đầu tiên ra trường theo mô hình liên kết này đã có đến 90% người có việc làm trong tháng đầu tiên.

“Trường nên đưa sinh viên vào làm thực tế hẳn trong công ty vào những dịp hè. Trong thời gian đi học, giảng viên lẫn các kỹ sư từ Fsoft liên kết khá chặt chẽ trong việc bám sát tiến độ đào tạo. Từ khâu soạn thảo giáo án ở trường, các giảng viên cũng trao đổi với nhu cầu thực tế cùng kỹ sư Fsoft. Sau khi học lý thuyết ở trường, giảng viên và các kỹ sư Fsoft phối hợp đưa ra các tình huống thực tế để sinh viên áp dụng giải quyết vấn đề”, Tiến sĩ Dũng cho biết thêm.

Trong khi đó, ĐH Công nghệ TP.HCM mỗi năm đều tiến hành khảo sát đối với các doanh nghiệp đối tác và thông qua phản hồi của các doanh nghiệp, trường liên tục điều chỉnh cho phù hợp với những yêu cầu, đòi hỏi mới của nhà tuyển dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung. “Đối với HUTECH, chúng tôi xem việc hợp tác với các doanh nghiệp là một cơ sở đặc biệt quan trọng để nhà trường xây dựng chương trình đào tạo và mục tiêu đào tạo phù hợp. Dựa trên những tiêu chí, yêu cầu của doanh nghiệp đặt ra cho sinh viên, HUTECH có những điều chỉnh về chương trình đào tạo sao cho bám sát thực tế, đáp ứng tối đa nhu cầu của nhà tuyển dụng về kiến thức, kỹ năng, kỹ năng mềm,…”, Thạc sĩ Quốc Anh nhấn mạnh.

MAI KHÔI
Nguồn http://echip.com.vn/doi-moi-dao-tao-rut-dan-khoang-cach-a20151117130958606-c1073.html

Xem chủ đề cũ hơnXem chủ đề mới hơnVề Đầu Trang Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 





Diễn đàn Hoa Phượng
Powered by FM® Phiên bản PunBB
Bản quyền © 2014 Forumotion, All rights reserved.
Bản quyền 2014 Đối với Diễn đàn Hoa Phượng
Ban QT Forum không chịu trách nhiệm từ nội dung bài viết của thành viên.
Hiển thị tốt nhất với trình duyệt Firefox Google Chrome độ phân giải 1024x768.