You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơnXem chủ đề mới hơnGo down Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1 Cuộc đua "Mobile First"  Empty Cuộc đua "Mobile First" Fri Nov 20, 2015 9:07 pm

Tin Học Văn Phòng
Hạ sĩ
Tin Học Văn Phòng

Hạ sĩ
Bài viết : 25
Ngày gia nhập : 03/07/2015

"Mobile First" là xu hướng ưu tiên đáp ứng nhu cầu của người dùng thiết bị di động trong mọi lĩnh vực. Xu hướng "Mobile First" đang khiến cho các công ty công nghệ lớn hội tụ trên cùng đường đua và ngày càng giống nhau.

Cuối tháng 10/2015, dựa vào một nguồn tin riêng, tạp chí Wall Street Journal cho biết Google sẽ sáp nhập hệ điều hành Chrome OS vào hệ điều hành Android. Theo nguồn tin giấu tên của Wall Street Journal, Google đã bắt đầu nghiên cứu khả năng hợp nhất hai hệ điều hành từ hai năm trước. Hệ điều hành mới, dùng cho cả thiết bị di động và máy tính cá nhân, sẽ được giới thiệu trong năm 2016 và chính thức phát hành trong năm 2017.
Nhiều nhà bình luận cho rằng đó là không phải là điều đáng ngạc nhiên vì hệ điều hành Chrome OS chiếm thị phần nhỏ bé, chỉ hiện diện chủ yếu trên máy tính Chromebook của Google, trong khi Android là hệ điều hành phổ biến nhất của thiết bị di động. Dự báo về sự hợp nhất hai hệ điều hành của Google đã có từ khi Google hợp nhất hai bộ phận phát triển Android và Chrome OS trong năm 2014. Xa hơn nữa, ngay từ khi hệ điều hành Chrome OS xuất hiện trong tháng 7/2009, Sergey Brin - người sáng lập Google - cho rằng Chrome OS và Android cuối cùng có lẽ sẽ hợp nhất theo "cách nào đó". Lúc ấy, dường như Google chưa hình dung được "cách nào đó" để hợp nhất hai phương án xây dựng hệ điều hành hoàn toàn khác biệt, do vậy tiến hành phát triển cả hai.
Chrome OS là hệ điều hành cho máy tính cá nhân. Khác với hệ điều hành Windows của Microsoft, trên Chrome OS chỉ có ứng dụng Web, loại ứng dụng truyền qua Web, không cần cài đặt. Do vậy, mỗi khi dùng một ứng dụng Web, người dùng luôn có phiên bản mới nhất của ứng dụng đó. Về hình thức, các ứng dụng Web có thể hiện diện trong các cửa sổ khác nhau như ứng dụng Windows thông thường. Trong khi đó, Android là hệ điều hành được thiết kế cho bộ xử lý không mạnh của thiết bị di động, thích hợp với màn hình cảm ứng. Người dùng thiết bị di động cần cài đặt ứng dụng Android, gần giống như ứng dụng Windows, nhưng khác với ứng dụng Windows, ứng dụng Android luôn chiếm trọn màn hình.
Cho đến gần đây, trong những phát biểu chính thức, Google không khuyến khích dùng hệ điều hành Android trên máy tính cá nhân, cho rằng Android không thích hợp với máy tính cá nhân, sẽ tạo ra trải nghiệm không tốt. Máy tính cá nhân mang thương hiệu Google - máy tính Chromebook và Pixel Chromebook - đều dùng hệ điều hành Chrome OS. Thế nhưng, cuối tháng 9/2015, với việc giới thiệu máy tính bảng Pixel C dùng hệ điều hành Android (phiên bản Marshmallow), có màn hình hơi lớn hơn iPad và có bàn phím rời, Google dường như chấp thuận Android là hệ điều hành của máy tính cá nhân. Mâu thuẫn giữa Android và Chrome OS có thể được hóa giải hoàn toàn khi trình duyệt Chrome trên thiết bị Android có bộ xử lý mạnh, cho phép dùng ứng dụng Web giống như Chrome OS.

Cuộc đua "Mobile First"  Image001
Các sản phẩm Pixel C (Google), Surface Pro 4 (Microsoft) và iPad Pro (Apple).

Giữa Android và Chrome OS, Google đã chọn Android, hệ điều hành của thiết bị di động, làm nền tảng cho việc hợp nhất. Hiện chưa có thông tin chi tiết về hệ điều hành Android mới của Google, nhưng có lẽ cách hình dung của Google về hệ điều hành hợp nhất cho mọi thiết bị không khác nhiều với hệ điều hành Windows 10 của Microsoft.
Chiến lược Mobile First, Cloud First của Microsoft đang thể hiện xu hướng chung mạnh mẽ. Cloud First nhấn mạnh vai trò cực kỳ quan trọng của dịch vụ mạng, thực chất là sự bổ nghĩa cho cụm từ Mobile First đi trước - nhấn mạnh sự ưu tiên đáp ứng nhu cầu của người dùng thiết bị di động. Cả Google và Microsoft đều hiểu rằng hệ điều hành cho thiết bị di động có vai trò quyết định vì thiết bị di động là trải nghiệm công nghệ số đầu tiên của thế hệ người dùng mới. Trên thiết bị di động có bộ xử lý mạnh, hệ điều hành sẽ có khả năng đáp ứng những nhu cầu phổ biến của người dùng máy tính cá nhân. Máy tính cá nhân truyền thống không có được tính cá nhân đặc sắc như thiết bị di động, do vậy đã mất đi vai trò trung tâm.
Khái niệm về hệ điều hành hợp nhất cho mọi thiết bị không có nghĩa đơn giản là mọi thiết bị dùng hệ điều hành giống hệt nhau. Sự hợp nhất thực chất là sự hợp nhất về cấu trúc. Với cấu trúc nhất quán, hệ điều hành trên các thiết bị khác nhau sẽ được bổ sung những thành phần khác nhau, các thiết bị khác nhau dễ dàng tương tác với nhau. Điều này tạo nên tính đa dạng của sự hợp nhất. Người lập trình ứng dụng di động ngay từ đầu phải dự trù về sự biến đổi của ứng dụng khi hoạt động với các màn hình có kích thước khác nhau hoặc khi phát hiện những bộ cảm biến khác nhau. Lề lối như vậy đang trở thành chuẩn của việc phát triển ứng dụng nói chung.
Nhờ tính đa dạng của Windows 10, trong tháng 4/2015, Microsoft giới thiệu điện thoại có khả năng tự động biến đổi giao diện khi được kết nối với bàn phím, con chuột và màn hình lớn. Theo cách như vậy, điện thoại trở thành máy tính cá nhân, hoặc có thể nói theo cách khác: máy tính cá nhân trở thành thiết bị di động.
Theo xu hướng chung, ranh giới giữa hai hệ điều hành Mac OS X và iOS sẽ nhòa dần, bất chấp Apple khẳng định không có kế hoạch hợp nhất hai hệ điều hành.
Trong cuộc đua Mobile First, thiết bị di động phải có phần cứng đặc sắc, tạo điều kiện cho sự xuất hiện phần mềm đặc sắc, không có ở sản phẩm của đối thủ. Hệ điều hành Windows và Android sẽ dần dần mất sức sống nếu Microsoft và Google chỉ phát triển phần mềm đơn thuần, phó mặc việc sáng tạo phần cứng mới cho các nhà sản xuất thiết bị. Hiểu rõ điều đó, Microsoft và Google đều đầu tư mạnh vào việc phát triển phần cứng, đang dần trở thành nhà sản xuất thiết bị chuyên nghiệp giống như Apple.

Cuộc đua "Mobile First"  Image002



Khi Microsoft và Google giới thiệu thiết bị mới mang thương hiệu của mình, giới truyền thông thường xem đó là sản phẩm mẫu, nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà sản xuất thiết bị dùng hệ điều hành Windows hoặc Android. Tuy nhiên, tình thế thay đổi khi "sản phẩm mẫu" tạo được sức hút mạnh. Với doanh số máy tính bảng Surface dùng hệ điều hành Windows đã lên đến gần 7 tỉ USD, thật khó hình dung rằng Microsoft chỉ xem Surface là sản phẩm mẫu. Nếu điện thoại dùng Windows tương tác dễ dàng với máy tính bảng Surface, Microsoft có khả năng lật ngược "thế cờ" hiện tại với ưu thế đang thuộc về Apple. Sản phẩm Surface sẽ giúp Windows đứng vững kể cả khi các công ty như HP, Dell, Acer, Asus, Lenovo,... thu hẹp hoặc từ bỏ việc sản xuất máy tính cá nhân do lợi nhuận thấp.
Nhà bình luận Tim Bajarin (28/10/2015) cho rằng Microsoft tất yếu đi theo con đường của Apple:
"Trong phần lớn lịch sử của mình, Microsoft là công ty chuyên về hệ điều hành cho máy tính PC. Giữa thập niên 1980, họ sản xuất ứng dụng và còn thử nghiệm sản xuất phần cứng: chuột và bàn phím. Khi Microsoft sản xuất cả phần cứng và phần mềm cho máy trò chơi XBox, mô hình kinh doanh cốt lõi của Microsoft và mối quan hệ của Microsoft với các đối tác sản xuất PC không thay đổi vì máy trò chơi thuộc lĩnh vực khác. Vào lúc ấy, tôi có mối quan hệ gần gũi với Microsoft. Tôi và Steve Ballmer thường dùng bữa trưa với nhau mỗi khi anh ấy đến gặp tôi ở Silicon Valley để trao đổi các vấn đề về tầm nhìn và chiến lược. Ballmer muốn tôi tin rằng Microsoft sẽ thống trị thế giới PC lâu dài.
Nhưng có ít nhất hai lần tôi nói với Ballmer rằng cuối cùng mô hình kinh doanh của Apple vẫn tốt hơn vì Apple kiểm soát cả phần cứng lẫn phần mềm. Apple có thể cải tiến phần cứng để tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Điều này khiến Apple chủ động điều khiển tương lai của họ. Lúc ấy, Ballmer không xem đó là lợi thế của Apple và gạt bỏ ý tưởng sản xuất cả phần cứng lẫn phần mềm để bảo đảm tương lai của Microsoft. Nói cho công bằng, Ballmer không sai vào lúc đó.
Microsoft là công ty thông minh, do vậy tôi nghĩ rằng họ đã nhìn thấy vấn đề cách nay ít nhất 4-5 năm. Với sản phẩm mới Surface Pro 3 và 4, cùng Surface Book, Microsoft giờ đây cạnh tranh trực tiếp với các đối tác của họ, điều mà Ballmer từng nói rằng Microsoft sẽ không bao giờ làm. Dường như con đường của Apple giờ đây cũng là con đường của Microsoft".
Microsoft đang nhường thị trường cấp thấp cho các đối tác và khao khát chiếm lĩnh thị trường cấp cao giống như Apple. Dường như không thể khác, Microsoft, Apple và cả Google đang bước vào thế song hành trên cùng đường đua.
Người tiêu dùng sẽ còn chứng kiến những sáng tạo thú vị trong cuộc đua Mobile First khi khái niệm thiết bị di động dần dần mở rộng, bao gồm cả loại thiết bị "cực kỳ di động": xe hơi.
NGỌC GIAO
Nguồn http://echip.com.vn/cuoc-dua-mobile-first-a20151118112856768-c1107.html

Xem chủ đề cũ hơnXem chủ đề mới hơnVề Đầu Trang Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 





Diễn đàn Hoa Phượng
Powered by FM® Phiên bản PunBB
Bản quyền © 2014 Forumotion, All rights reserved.
Bản quyền 2014 Đối với Diễn đàn Hoa Phượng
Ban QT Forum không chịu trách nhiệm từ nội dung bài viết của thành viên.
Hiển thị tốt nhất với trình duyệt Firefox Google Chrome độ phân giải 1024x768.