You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơnXem chủ đề mới hơnGo down Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Tin Học Văn Phòng
Hạ sĩ
Tin Học Văn Phòng

Hạ sĩ
Bài viết : 25
Ngày gia nhập : 03/07/2015

         Những công ty công nghệ khổng lồ sinh ra từ nền văn hóa không sợ hãi. Đó là khẳng định của James Stewart - tác giả bài báo "A Fearless Culture Fuels U.S. Tech Giants" (The New York Times, 18/6/2015). Mời bạn theo dõi nhận định của Stewart...


Trong tháng này, Liên hiệp Châu Âu tuyên bố về việc điều tra những hành vi phản cạnh tranh khả dĩ của Amazon trong dịch vụ sách điện tử. Tâm trạng "chống độc quyền" của Châu Âu dường như đang lên cơn sốt. Apple, Google và Facebook đều đang là đối tượng điều tra. Giờ đến lượt Amazon lọt vào tầm ngắm của ít nhất ba cuộc điều tra độc lập.
Margrethe Vestager, người chịu trách nhiệm cao nhất về việc chống độc quyền của Châu Âu, muốn chúng ta tin rằng sự kiện các cuộc điều tra chống độc quyền hầu như đều hướng vào các công ty công nghệ của Mỹ chỉ là sự trùng hợp. Khi trả lời hãng tin Bloomberg, Vestager giải thích: "Điều này chỉ đơn giản cho thấy có nhiều công ty lớn của Mỹ lũng đoạn thị trường số ở ngoài nước Mỹ".
Cứ cho rằng thực tế đúng như vậy, thế thì tại sao điều đó xảy ra? Tại sao Châu Âu chưa thể nuôi dưỡng các sáng tạo có khả năng sản sinh những công ty thành công vượt bậc?
Nói khác đi, đến bao giờ những người chịu trách nhiệm về việc chống độc quyền tại Mỹ mới phải điều tra và khởi kiện một công ty công nghệ nào đó của Châu Âu về việc thao túng thị trường? (Câu trả lời: không bao giờ.)



Điều gì tạo nên Google và Facebook?  Image001


Scott Hemphil, giáo sư chuyên về luật chống độc quyền và sở hữu trí tuệ tại trường Luật thuộc Đại học New York nhận xét: "Chưa có nhiều công ty công nghệ của Châu Âu có sức mạnh thị trường ở mức đáng kể. Do vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi giới chức chống độc quyền tại Mỹ chưa phải quan tâm nhiều đến các công ty công nghệ Châu Âu".
Sự so sánh đơn giản như sau đáng cho chúng ta suy nghĩ. Tại Mỹ, ba trong số mười công ty đứng đầu về giá trị thị trường là công ty công nghệ. Trong khi đó, tại Châu Âu, không có công ty công nghệ nào lọt vào tốp mười công ty hàng đầu.
Nếu như khu vực nào đó trên thế giới có khả năng cạnh tranh thành công với nước Mỹ về năng lực công nghệ, dường như đó là Châu Âu. Liên hiệp Châu Âu có những viện đại học đáng nể, có lực lượng lao động được đào tạo tốt, có giới tiêu thụ nhiều tiền và am hiểu kỹ thuật, lại có quỹ đầu tư dồi dào.
Châu Âu có bề dầy lịch sử đáng khâm phục về những sáng tạo làm thay đổi thế giới, chẳng hạn như việc sáng chế máy in, sáng chế những thấu kính dùng trong kính hiển vi và kính thiên văn, sáng chế động cơ hơi nước.
Gần đây Châu Âu có sáng chế quan trọng nào không? Không nhiều lắm. Có thể nhắc đến King Digital Entertainment, công ty tạo ra trò chơi điện tử lừng danh Candy Crush, hiện đặt trụ sở tại London. King Digital Entertainment được thành lập mười năm trước tại Thụy Điển, vốn là nơi giàu sức sáng tạo trong lĩnh vực trò chơi điện tử. Karlheinz Brandenburg, công ty của Đức, là nơi tạo ra dạng thức MP3 dùng cho nhạc số. Phần mềm viễn thông Skype, được tạo ra bởi một nhóm gồm hai người Scandinavia và ba người Estonia. Nhưng chính Apple là công ty thành công hơn cả trong việc chế tạo máy chơi nhạc MP3 mang tên iPod. eBay đã mua Skype vào năm 2005 và giờ đây Skype thuộc về Microsoft.
Không phải Châu Âu không chú ý đến điều đó. Trong tháng trước, Liên hiệp Châu Âu công bố chiến lược "Thị trường số hợp nhất" nhằm nuôi dưỡng những doanh nghiệp Châu Âu, phá bỏ những rào cản sáng tạo. Các quốc gia Châu Âu cố gắng đạt tới mức phát triển cần thiết để làm nẩy sinh những trung tâm công nghệ giống như Silicon Valley, chẳng hạn như Công viên Khoa học Oxford [Anh], các "vườn ươm công nghệ" như Silicon Allee tại Berlin, Isar Valley tại Munich [Đức] và Silicon Docks tại Dublin [Ireland].
"Họ đều muốn có một Silicon Valley", Jacob Kirkegaard, nhà kinh tế học Đan Mạch nói như vậy với tôi. "Nhưng chưa có trung tâm nào đạt đến tầm vóc cần thiết, có khả năng tập trung vào những sáng tạo công nghệ thực sự mới như tại Mỹ. Châu Âu và phần còn lại của thế giới đang ở vào thế rượt đuổi, vẫn còn xa so với tham vọng của những nhà hoạch định chính sách".
Petra Moser, giáo sư kinh tế học tại Stanford, đồng ý với nhận định vừa nêu: "Châu Âu đang lo lắng. Họ cố gắng tái tạo Silicon Valley tại vài nơi như Munich chẳng hạn, nhưng chưa thành công mấy. Sự khác biệt về học thuật và văn hóa vẫn còn quá lớn".
Quỹ đầu tư ít hơn, luật lệ lao động cứng nhắc hơn quả là rào cản cho sự tăng trưởng. Tuy vậy, cả Kirkegaard lẫn Moser, sau khi nêu lên những khác biệt nhỏ hoặc lớn giữa Châu Âu và Mỹ, đều thừa nhận rằng khác biệt quan trọng nhất là văn hóa.



Điều gì tạo nên Google và Facebook?  Image002


Người ta thường nhìn thấy nhiều công ty Mỹ khởi nghiệp thành công nhưng số thất bại còn lớn hơn. "Thất bại nhanh chóng, thất bại thường xuyên" là một tôn chỉ của Silicon Valley. Tự do sáng tạo không thể tách rời tự do thất bại. Tại Châu Âu, sự thất bại gây nên cảm xúc nặng nề hơn nhiều so với tại Mỹ. Luật lệ về phá sản tại Châu Âu có tính trừng phạt trong khi tại Mỹ việc phá sản chỉ đơn giản là một nghi thức nhập môn cho nhiều doanh nhân thành công.
Giáo sư Moser có kể lại câu chuyện về một doanh nhân tại quê nhà của cô ở Đức, đã tự sát sau khi tuyên bố phá sản. "Tại Châu Âu, thất bại trong kinh doanh là một thảm kịch của cuộc đời, giống như bị mất danh dự. Môi trường như vậy không khuyến khích chấp nhận rủi ro và ý chí kinh doanh".
David Byttow, người sáng lập ứng dụng mạng xã hội vô danh Secret, vừa tuyên bố đóng cửa công ty của mình tại San Francisco. Anh không mảy may tỏ vẻ đau buồn khi khẳng định: "Tôi tin rằng việc thất bại nhanh chóng giúp chúng ta đi tiếp con đường của mình chỉ với những sai lầm khác biệt và mới mẻ".
Tại Silicon Valley, chuyện bị cho thôi việc ít khi làm cho người ta xấu hổ. Chính Steve Jobs từng bị đuổi khỏi Apple. Moser nhận xét: "Các công ty Mỹ cho phép nhân viên của mình thôi việc để thử tìm cơ hội mới. Nếu người thôi việc lập nên công ty mới thành công thì tuyệt, công ty mẹ sẽ tìm cách sáp nhập công ty non trẻ. Nếu họ thất bại, công ty mẹ nhận họ vào làm trở lại. Lề lối như vậy khuyến khích mọi người thử nghiệm khả năng mới. Điều này không thể có tại Đức. Tại Đức, thôi việc để lập công ty mới bị xem là sự phản bội. Văn hóa ứng xử rất khác biệt".
Theo Kirkegaard, những sáng tạo đột phá thuộc loại như Google hoặc Facebook gặp lực cản lớn hơn nhiều tại Châu Âu. Kirkegaard lấy dịch vụ tắc-xi Uber làm ví dụ. Uber, một cái tên Đức nhưng là một sáng tạo Mỹ. Châu Âu xem Uber như thể một bệnh dịch. Điều này có phần tác động của các hãng tắc-xi truyền thống. "Nhưng nguyên nhân thực ra nằm sâu hơn. Người New York không có cảm xúc hoài niệm những chiếc tắc-xi vàng của quá khứ. Tại London, những chiếc tắc-xi đen lại là một biểu tượng. Người Mỹ quan tâm đến chất lượng dịch vụ và hàng hóa, không có nhiều cảm xúc để xem chúng như một biểu tượng của vùng miền hoặc quốc gia".
Giáo sư Moser cho rằng nền giáo dục Châu Âu có xu hướng cứng nhắc. "Nếu anh không vượt qua kỳ thi ở tuổi 18, xem như anh là người thất bại. Điều này làm mất đi cơ hội phát triển của nhiều người. Một người có khả năng học thuộc tốt ở tuổi 17 có thể không phải là người sáng tạo ở tuổi 23. Nền giáo dục Mỹ có tính khoan dung nhiều hơn, học sinh được tự do khám phá nhiều hơn".
NGỌC GIAO lược dịch
http://echip.com.vn/dieu-gi-tao-nen-google-va-facebook-a20150707225837656-c1107.html

Xem chủ đề cũ hơnXem chủ đề mới hơnVề Đầu Trang Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 





Diễn đàn Hoa Phượng
Powered by FM® Phiên bản PunBB
Bản quyền © 2014 Forumotion, All rights reserved.
Bản quyền 2014 Đối với Diễn đàn Hoa Phượng
Ban QT Forum không chịu trách nhiệm từ nội dung bài viết của thành viên.
Hiển thị tốt nhất với trình duyệt Firefox Google Chrome độ phân giải 1024x768.