Gò Công hôm nay thuộc về tỉnh Tiền Giang. Thời Tự Đức là một huyện của tỉnh Gia Định (huyện Tân Hòa), thời Pháp thuộc qui hoạch làm một tỉnh kèm theo cơ chế với tòa Bố, tòa Án. Dầu phân bố về mặt hành chánh như thế nào, du khách đến Gò Công cũng nhận là một khu vực độc đáo, với dòng họ xưa, nếp sống thuần VN, nhiều nhân vật nổi tiếng về khoa bảng. Đất giồng cao ráo ven biển thuận lợi cho người từ miền Trung đến bằng đường biển dễ dàng. Vàm Láng phải chăng đặt tên ấy vì thời xưa đã mọc lên nhiều lán trại, dành cho ngư dân, không phải vì bãi biển trơn láng, kiểu giải thích gượng ép. “Gò” là vùng đất cao ráo. “Công” là con công đến đậu, loài chim đẹp, thích múa, xòe lông đuôi. Ở Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) có một nơi cũng gọi Gò Công, nhưng Gò Công của Thủ Đức là Gò Công Trao Trảo, tên một loài chim rừng. Gò Công khá thuận lợi để giao lưu với Sài Gòn, chỉ cần qua chiếc phà Cầu Nổi là đến . Thời Pháp mới đến, đồng bào ta ngạc nhiên vì kỹ thuật của Tây Phương, bến phà có thể dâng lên hay hạ xuống theo nước lớn ròng chớ không ở mức cố định. Gò Công được nổi danh là “địa linh nhân kiệt” từ xưa, với Võ Tánh. Viên tướng gan lì. Gò Công còn được lợi thế là lúa gạo ngon, sản lượng cao, vì vậy quân sĩ của Võ Tánh tha hồ luyện tập trong thời gian dài. Trận đánh lớn nhất là trận Hổ Cứ, vùng Tòng Sơn, nay thôn Sa Đéc. Và trận sau chót là việc tử thủ thành Bình Định (Qui Nhơn), nơi tập trung lực lượng mạnh nhất của Tây Sơn để bao vây. Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tử tiết, Võ Tánh ngồi trên giàn hỏa, chung quanh chất sẵn thuốc súng rồi tự quăng tàn thuốc cho cháy. Sau đó, Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử. Việc “tử thủ” này thừa lúc binh hùng tướng mạnh của Tây Sơn gom về Bình Định, Nguyễn Ánh tức tốc đưa quân ra Huế dễ dàng. Nhờ đó Võ Tánh được sử gia nhà Nguyễn xem như một trong ba “người hùng” của đất Gia Định xưa. Ở ấp Gò Tre, xã Long Thuận hãy còn miễu thờ Võ Tánh, đánh dấu nơi tụ nghĩa. Vì tự thiêu, phần hài cốt không được nguyên vẹn, một phần tro thờ ở Bình Định, phần khác đưa về Gia Định xây lăng mộ, tại quận Phú Nhuận, đáng chú ý là nơi đây miếu thờ và lăng mộ khá đẹp, kiến trúc đơn giản mà uy nghi. Có người đặt giả thuyết tại lăng ở Phú Nhuận, tro của Võ Tánh được nhồi trong sáp, dùng sáp ấy nắn hình người rồi đặt trong quan tài. Di tích lịch sử mà mọi giới, luôn cả người Tây Phương thích tham quan là lăng miếu của anh hùng miền Nam là Trương Định. Trương Định gốc Quảng Ngãi, là con quan lãnh binh, vào Gò Công lập đồn điền để khẩn hoang vùng đất thấp ven biển. Ông có tài tổ chức, đồn điền của ông là khuôn mẫu hoàn chỉnh thi hành chính sách “tay giáo, tay cày”, “động vi dân, tịnh vi binh”. Người khẩn hoang lúc rảnh rang lo luyện tập quân sự, kiểu dân quân, nhằm canh giữ trộm cướp và chống ngoại xâm. Hằng năm, khi thao dượt, dân đồn điền từ các tỉnh qui tụ về Sài Gòn, dân đồn điền Gia Thuận của Trương Định luôn luôn được khen ngợi. Pháp đánh Sài Gòn, Nguyễn Tri Phương xây lũy Chí Hòa để chống giữ với sự đóng góp công lớn của Trương Định. Dân đồn điền của Trương Định quấy rối giặc, sau khi đồn Chí Hòa thất thủ tại Trường Thi (nay là Nhà Văn hóa Thanh Niên, đường Phạm Ngọc Thạch), và ở khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám (Bộ Tư lệnh Thành) như bài văn tế của cụ Đồ Chiểu, xác nhận, gọi là “mô súng” nơi quân sĩ thời Tự Đức tập bắn. Trương Định rút quân về Gò Công, bấy giờ gọi huyện Tân Hòa, củng cố hàng ngũ, đoán chắc sau khi chiếm Mỹ Tho, giặc sẽ chiếm vùng lõm Gò Công. Ông bố trí súng đại bác, đắp nhiều vật cản trên sông rạch, ngừa tàu chiến lớn nhỏ của giặc len lỏi vào. Sau hai năm chống cự, lần chót nghĩa quân ta bị đánh, Trương Định bị giết (có giả thiết nói ông tự sát) vì sự phản bội của một thuộc tướng cũ là Lãnh binh Tấn, tên này rành địa thế vùng đầm lầy. Ông là người yêu nước nồng nhiệt, cuộc khởi nghĩa của ông nhằm chống đối việc triều đình Huế cắt đứt ba tỉnh miền Đông nhượng cho Pháp. Giặc đem phơi thây ông tại chợ Gò Công cho dân chúng xem, để xác nhận ông chết thật, đề phòng có người khởi nghĩa khác mượn uy thế ông, bảo rằng ông còn sống, để tiếp tục kháng chiến. Dĩ nhiên, giặc đành chôn ông tại chỗ, để canh giữ phần mộ cẩn thận. Suốt thời gian dài thực dân rất khó xử; mặc dầu chúng đề cao công lao của tên Việt gian Lãnh binh Tán, kẻ phản bội. Giồng Sơn Qui của Gò Công hình dáng con rùa được truyền tụng là huyệt linh thiêng. Sự thật như thế nào, không ai rõ ảnh hưởng của phong thủy, chỉ biết lúc sau này vì đất hẹp, dân đông nên về kinh tế người dân ở đây chẳng mấy ai khá giả. Giồng Sơn Qui là nơi phát tích của dòng họ Phạm Đăng Hưng, khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lần hồi ông được thăng chức Lễ Bộ Thượng Thư, giỏi về chính trị và kinh tế. Khi mất, linh cữu đưa về Sơn Qui an táng. Con gái đầu lòng của ông là Phạm Thị Hằng, sinh ở Sơn Qui, được tuyển vào cung, là vợ của vua Thiệu Trị, bà sống đến 93 tuổi, chôn cất tại Huế. Ở Sài Gòn, có nhà hộ sinh đặt tên Từ Dũ, là tước vị của bà, khi là hoàng hậu. Bà được ngợi khen vì lòng hiếu thảo, lại biết dạy dỗ con là vua Tự Đức. Vua Tự Đức thích săn bắn, thường bị bà quở trách vì mỗi lần đi là quan lại và binh sĩ mất thời giờ theo phò trợ. Bà khuyên nhà vua bớt chuyện sát sinh. Con thú săn được nếu bị thương, chưa chết thì bà chăm sóc rồi “phóng sinh”. Trong cung, hôm ấy có ổ kiến bò lúc nhúc, bà nói với lũ kiến: “Mau tìm nơi khác mà ẩn thân, bằng không bọn nữ tỳ dội nước sôi giết sạch”. Lũ kiến như “biết nghe”, lập tức dời đi nơi khác. Bà đọc kinh sử, xem tích xưa dạy vua Tự Đức. Hôm ấy, vì ham mê săn bắn ở khu rừng gần Huế, gặp cơn mưa, vua và các quan trở về ướt át. Bà dạy đem đến cây roi mây; nhà vua như biết mẹ đang giận bèn nằm xuống chịu tội. Nhưng bà hất cây roi, nói với Tự Đức: - Lần này, ta tha tội cho. Chuyện vui chơi mà làm phiền nhiều người, nãy giờ mẹ cứ nóng lòng chờ đợi. Rủi nhuốm bệnh thì sao? Đừng ham vui như vậy nữa. Đặt tên bà cho nhà Hộ Sinh, ngụ ý nhắc đến phận sự của người mẹ khéo dạy con. Khu lăng mộ của họ Phạm được bảo quản tốt, thời nhà Nguyễn, cử người chăm sóc (gọi tự phu), nghi thức xây mồ mả được tôn trọng, to lớn theo cấp bậc. Nhờ vậy, giồng Sơn Qui được nổi danh với di tích lịch sử văn hóa này. Vua Thành Thái đã đích thân đến thăm khu mộ họ Phạm, vua là người yêu nước, cuộc viếng thăm đã động viên lòng yêu nước của người dân địa phương. Bấy giờ Nam Kỳ được người Pháp xem như một “nước” riêng, tách khỏi Trung Bộ, vua Thành Thái trong thực chất chỉ là vua tượng trưng, không quyền hạn. Người địa phương gọi đây là khu lăng mộ của “Thích Lý” theo nghĩa của bà con nhà vua. Thắng cảnh Gò Công rất ít, nhưng du khách không thể bỏ qua bãi biển Tân Thành, khá tốt, dành làm nơi nghỉ mát cho học sinh nhưng đồng bào mọi giới đến đây vẫn thấy thoải mái với biển rộng trời xanh, ít tốn kém mà được thưởng thức nhiều hải sản còn tươi. Từ đây, nhìn thấy núi ở Vũng Tàu. Gò Công ít xảy ra thiên tai, nhưng năm Giáp Thìn (1904) trận bão lớn từ biển khơi kéo đến thình lình, vào tháng 5 dương lịch, theo âm lịch là 16 tháng 3. Số người chết quá lớn. Mấy làng sát biển gần như 95% dân số. Nên nhớ bấy giờ vào mùa nắng hạn, đất ruộng còn khô cằn, nứt nẻ, chẳng ai đề phòng vì bình thường bão chỉ xảy ra vào cuối mùa mưa, tháng 9 hoặc tháng 10. Các nhà nghiên cứu khí tượng mãi đến nay đặt giả thuyết: Đó là loại “sóng thần”. Do động đất từ đáy biển ngoài khơi. Nước biển dâng lên đột ngột hơn 4 mét, sóng to tràn vào bờ, ngập nhà cửa, trong dân gian còn phổ biến bài vè về trận bão này, ảnh hưởng lây lan đến Mỹ Tho, Rạch Giá, tận Lộc Ninh, Hớn Quản miền Đông nhưng miền biển Gò Công lại là nơi đứng “đầu sóng ngọn gió”. Hôm ấy, có làng đang bày lễ Kỳ yên ở đình, mời gánh hát bội đến. Sau khi nước giật, người từ địa phương khác đến cứu trợ chợt phát hiện vài xác chết tận trên ngọn tre, nạn nhân còn áo mão, râu ria. Trâu bò chết, nước giật xuống, chẳng ai chôn, mùi hôi thối gây bệnh tật. Bọn cướp nọ đến nhà điền chủ, bao vây vòng ngoài, chờ xông vào “ăn hàng”. Bão nổi lên, dân làng hoảng sợ chỉ biết nơi tạm trú an toàn nhất là ngôi nhà vách tường của ông điền chủ. Dân chạy bão lụt quá đông, khi bọn cướp đến chỉ là thiểu số, chúng hoảng sợ, để rồi lát sau, phần lớn chịu chết, nếu không biết bơi lội giỏi, ở miền biển, ai mà chẳng biết lội nước, cái khó là khi giông bão nổi lên thì luôn luôn trời tối như mực, ngâm mình dưới nước lạnh suốt ba bốn tiếng đồng hồ, tay chân bủn rủn, lại thêm đói. Biết bơi lội giỏi cũng chết. Thời buổi nào cũng có dân bất lương, làm giàu nhờ cái chết của kẻ khác. Mười ngày sau, lắm kẻ từ vùng lân cận đến vơ vét nào vàng bạc trong tử thi, nào tủ cẩn xà cừ, nào bộ ván gỗ, đem công khai về xứ. Hằng năm, ở Gò Công vẫn giữ lệ Giỗ hội (giỗ tập thể), ngày 16 tháng 3 âm lịch để tưởng nhớ ông bà tử nạn hồi năm xưa. Với bề dày lịch sử, người Gò Công lần hồi biết tận dụng thế mạnh của mình về nguôn lợi thiên nhiên, nổi danh trong khắp Nam Bộ, có một thức ăn khó kiếm đó là mắm tôm chà. Dùng con tôm đất, lúc nhiều trứng, nhiều gạch son, bắt khi tôm chưa đẻ đem về cắt đầu, cắt đuôi, ngâm rượu, quết trong cối nhỏ, thêm gia vị muối ớt. Đến giai đoạn chà tôm, “chà” là động tác chà xát, chà trên cái rổ khá dày mặt (nay dùng rổ lưới sắt mịn), tôm rơi xuống như thứ bột lỏng, có màu đỏ, màu gạch tôm. Đem phơi nắng cho mớ bột ấy đặc lại, đề phòng ruồi bu mất vệ sinh, có thể sinh bệnh. Thời trước, tôm này đựng trong ve chai nhỏ, đậy nút kín, bán tận Sài Gòn. Vài người đem phết mắm tôm chà lên bánh mì, ăn như bánh trét bơ lạt. Lại còn món mắm tôm để nguyên con, cắt đầu, ngâm trong hũ có nước mắm nấu nước đường và hàn the, để nguội. Xong gài cho chặt, trước đó lót lá chùm ruột và mía lau xắt nhỏ dưới đáy hũ. Mười lăm hôm sau, ăn được, bày tiệc với thịt ba chỉ xắt nhỏ, rau sống, riềng, ăn với bún. Móm mắm tôm chua nguyên con này ở Huế vẫn phổ biến, bán giá cao, theo lời đồn đãi đáng tin cậy thì bà Từ Dũ, người Gò Công đã nâng niu đứa con là vua Tự Đức, bày món này để nhớ quê nhà, ra xứ Huế, được cải biến chút ít. Tôm khô ở Gò Công nổi danh, con nhỏ, dùng tôm đất ngon ngọt hơn thứ tôm ở biển Rạch Giá - Cà Mau nhiều. Là đất xưa với quan lại thời phong kiến cũng như thời Pháp thuộc, Gò Công được nổi danh với thú phong lưu “cầm” và “kỳ”. Cầm là nghề đàn ca. Tương truyền khi bà Từ Dũ còn sống, người địa phương tuyển chọn những nghệ nhân giỏi nhất đưa ra Huế để hòa tấu cho bà thưởng thức. Truyền thống ấy hãy còn trong giới cổ nhạc, họ giao lưu với các nhạc sĩ ở Cần Đước, cách một con sông mà thôi. Về cờ tướng, một thời đất Gò Công tự hào với lão sư “Giáo Bố”, tên thật Hà Quang Bố, làm giáo viên ở làng. Ông giáo về sau dời xuống Long Mỹ (nay Cần Thơ), gây phong trào cờ tướng. Ông là vô địch, đã từng thi đấu tại Chợ Lớn với những “kỳ vương” từ Hương Cảng qua, được thán phục vì tài biến hóa khi ra quân, dường như chỉ hòa đôi ba lần, những lần khác thì thắng, với tài hoa rõ rệt. Nghề truyền thống của Gò Công nay hãy còn nổi danh khắp Nam Bộ, được nhiều địa phương khác mô phỏng vẫn là đóng tủ thờ. Như ta biết, trước khi Pháp đến và sau đó trong thời gian dài, đồng bào ta gọi “giường thờ”, hiểu là cái giường mà người quá cố đã dùng lúc còn sống. Ở nhà trung lưu, giường là bộ ván nhỏ, trải chiếu, giăng mùng khi ngủ, ban ngày, vắt mùng lên, dùng làm nơi đọc sách, uống trà, đánh cờ hoặc đánh đàn với bạn bè. Khá giả hơn, giường có bốn cây trụ chạm trổ, khá rộng, có thể nằm... hút thuốc phiện với bạn. Khi chết, người nhà đem trọn cái giường ấy ra giữa nhà, đặt sát vách để thờ, theo quan niệm xưa: “Thờ người chết giống như người ấy còn sống”. Lần hồi, đơn giản hơn, đóng cái bàn nhỏ, bốn chân, trên mặt bàn cũng để cái gối, cái quạt, kỷ trà, gọi là “giường thờ”, bằng cớ là hãy còn câu hát: "Ngó lên, nhang tắt đèn mờ, Mẫu thân đâu vắng, giường thờ quạnh hiu!”. Để tiện việc thắp nhang, cúng kiến, phía trước cái giường thờ nói trên, đặt thêm cái bàn cao hơn, bên trên chưng bày hai chân đèn, một cái lư dành để đốt trầm (có nắp, thường là hình con kỳ lân), dưới nắp là những lỗ nhỏ để khói trầm xông lên thoang thoảng. Sau cái lư đốt trầm là cái lư cắm nhang, thêm bình bông, đĩa để chưng trái cây. Cái bàn thờ này cao hơn, đặt phía trước cái giường thờ thấp. Ngày giỗ, dọn thức ăn trên giường thờ phía sau. Với sự tiếp xúc với văn minh Tây Phương, lần hồi người trung lưu thấy cái bàn thờ chưng chân đèn và lư của ta còn thô, bốn chân lỏng khỏng, lắm khi phía trước che cái “quần bàn” vải đỏ thêu con lân, con phụng. Người Pháp cho du nhập kiểu tủ khá đẹp, phía trước không cửa, cửa bên hông, mặt tiền uốn cong, lắm khi hình hột xoài, hai bên là cột nhỏ, chạm những hột chuỗi. Ta mô phỏng lại, với vật tư quí giá của xứ nhiệt đới là cây cẩm lai, cây gỗ (hoặc thao lao). Dùng kiểu tủ này để chưng chân đèn và bộ lư trông sang trọng hơn, khi đủ tiền thì mặt trước của tủ dùng cây nu. Nu là dạng cây có tật, thớ cây trộn loại, xoáy tròn từng loại, đẹp nhất là nu của cây gỗ. Thợ mộc ở Gò Công được nổi danh nhờ áp dụng kiểu tủ Pháp (kiểu thời vua Louis XVIII) để làm tủ thờ, tức là cái bàn thờ cao ngày trước, đặt trước giường thờ. Và cái giường thờ ngày xưa lần hồi không còn, khi làm đám giỗ, thức ăn bề bộn thì dọn trên bộ ván, đặt trước cái tủ thờ. Người trong nghề mộc gọi kiểu tủ Pháp cải tiến ấy là “tủ Gò Công”, nghĩa là theo mô thức mà người thợ ở Gò Công sáng tạo trước tiên. Nghề đóng tủ nói trên, nhiều xã ở Gò Công có thợ, nhưng nổi danh nhất có lẽ ở thị xã Tân Niên Trung, Bình Xuân. Kiểu tủ này được mô phỏng về sau ở Lái Thiêu (Sông Bé), chợ Thủ (An Giang). Ngày nay, vẫn còn thông dụng, nhưng mặt trước không uốn cong, lại cẩn xà cừ, tuy nhiên vẫn còn dấu ấn của tủ Gò Công khi xưa: Phía trước không mở cửa, vả lại, gỗ quý ngày càng hiếm, thợ có tay nghề cao lần hồi không còn mấy ai, hàng tiêu dùng cần được tiêu thụ mạnh, giá thành càng rẻ càng tốt. Ghe hầu là nghề truyền thống của Gò Công. Ngày nay, nhắc đến TS hoặc giới trung niên ít ai tưởng tượng được hình ảnh cụ thể. Những năm đầu thế kỷ XX, ô tô chưa phổ biến, dưới sông còn tàu thủy chạy máy hơi nước rất cồng kềnh, phương tiện di chuyển của giới điền chủ, cai tổng hoặc hương chức làng xã vẫn dùng ghe cá nhân. Nhưng ghe của người sang trọng phải có gì lạ. Cần tiện nghi tối đa, đi nhanh, hình dáng hấp dẫn chứng tỏ người sử dụng thuộc vào tầng lớp quí phái. “Hầu” là đi hầu việc quan, theo nghĩa này là cấp dưới đi công tác, để gặp cấp trên, xin ý kiến, chờ quyết định. Hầu, là hầu hạ, hầu chực vì bộ máy phong kiến thực dân lắm khi tùy tiện. Đi ghe, gọn hơn đi bộ, đi võng như xưa thì quá cồng kềnh. Vả lại, địa hình ở Nam Bộ nhiều sông rạch, dễ gì nuôi ngựa, qua cầu khi mưa đường xa trơn trợt. Đường thủy bảo đảm nhanh nhất. Đây là kiểu ghe mô phỏng theo ghe của cai tổng, quan phủ thời phong kiến, cải tiến lại đôi chút. Vẫn là vàng son tráng lệ, ở xứ thuộc địa, chẳng có gì là cấm kỵ, miễn là đủ tiền. Mũi chạm đầu rồng, lái chạm chim phượng, nào kém gì vua chúa xứ Huế thời xa xưa. Để tăng tốc lực, ghe phải tương đối nhỏ, phía trước hai người chèo, phía sau hai người. Mui là công trình nghệ thuật, hình chữ nhật, cao ráo, nhưng muốn vào phải lom khom một tí để giữ thăng bằng cho ghe đừng chòng chành. Mui chạm nào hình con dơi, nào quạ, nào lẳng hoa tùy thích, kiểu “Bát tiên” trong thần thoại, hoặc hoa mẫu đơn, rồng, hoa cúc, tùy chủ nhân. Cửa trước cửa sau đóng kín được, tránh những cặp mắt tò mò, lắm khi đi hầu quan trên nhưng vì đường xa, mang theo hầu thiếp, bên hông, bố trí cửa sổ cho mát. Sạp ghe trơn láng, bằng phẳng, trải chiếu bông với gối nằm, gối dựa lưng, thêm ấm trà, cái bếp nhỏ nấu nước sôi, bộ đồ hút thuốc phiện. Gối thường là kiểu vuông, màu mè sặc sỡ, thêm cái bàn thấp, để ngồi xếp bằng mà viết. Nếu thuộc vào hàng cai tổng, bố trí thêm “lỗ bộ”, tức là những khí giới thời xưa, khi đi ra ngoài, quân sĩ vác chạy phía trước để dọn đường, nhưng đây là những món tượng trưng, nhỏ bé, cao hơn 2 tấc tây, nhằm trang trí trên cái giá nào đinh, chùy, đao, kiếm. Khi cần ăn cơm, bọn chèo ghe dừng lại, lên chợ mua thức ăn, xào nấu ở bếp nhỏ, phía sau lái. Về văn học, Gò Công tự hào là sinh quán của tiểu thuyết gia lừng danh Hồ Biểu Chánh, chuyên về phong tục đồng quê, qua sinh hoạt thời Pháp thuộc, nhân vật nào là chủ điền, tá điền, hương chức hội tề, điền chủ có con rể là thơ ký, thêm cảnh nghèo túng của người dân không đất cấm dùi. Trong phạm vi một tỉnh, Gò Công đáng nêu trong lịch sử xuất bản cả nước, từ năm 1921 đến năm 1930 với nhà xuất bản lấy tên Nữ Lưu Thư Quán do bà Phạm Thị Bạch Vân làm giám đốc. Sách in khá đẹp, vào thời ấy, đáng chú ý là nội dung bổ ích nhưng chỉ nhằm nâng cao trình độ người trung lưu. Đến nay, ta thấy những đầu sách ấy vẫn còn cần thiết, hiện đại: - Nữ Tài Tử. - Tây Sương Ký. - Truyền Kỳ Mạn Lục. - Kim Vân Kiều, Chinh Phụ Ngâm, - Lục Vân Tiên. Ngoài ra, về dịch thuật, tủ sách Nữ Lưu nói trên chú ý đến truyện trinh thám Anh (Bàn tay ma), lại còn thời tranh đấu của thánh Cam Địa (Gandhi), dùng phương pháp bất bạo động chống thực dân Anh, giành độc lập cho Ấn Độ. Đáng lý ra tủ sách Nữ Lưu nói trên đứng vững và phát triển, nhưng bấy giờ việc phát hành chưa rộng khắp, nhờ đường bưu điện gởi trước, sau đó, người mua trả tiền sau. Lại còn những tỉnh xa xôi phía đồng bằng, người đọc sách vỏn vẹn là công chức, điền chủ, phần lớn họ thích mua sắm những tiện nghi vật chất như đèn treo nhà, tủ cẩn, tô chén nhập từ Nhật, đặc biệt là thích truyện Tàu để giải trí như Tây Hớn, Tiết Đinh San, Tam Quốc. Đi tiên phong bao giờ cũng khó, gần như đơn độc. Về lễ hội, Gò Công nổi bật với tế cá Ông mà ngư phủ ở Vàm Láng tổ chức hàng năm. Theo truyền thuyết, cá Ông giúp đỡ người đi biển, khi giông tố nổi lên, thuyền sắp đắm thì cá Ông lội nhanh đến, đưa lưng mà đỡ cho ghe được nâng cao, rồi đưa vào bờ. Đi theo cá Ông còn có cá Đao, cá Ép, hai loại cá này đóng vai trò “giám sát”, thúc giục cá Ông sốt sắng với nhiệm vụ. Theo tín ngưỡng dân gian từ miền Trung thì cá Ông giống như vị thần, là con người, vì vậy khi thấy cá trôi tấp vào bờ, ai phát hiện sớm thì được vinh hạnh lớn, dân ngư phủ xem người ấy như là con trưởng nam của cá Ông. Dịp chôn cá Ông (để sau đó thịt tan rã, lấy cốt đem thờ), người phát hiện là con được để tang, bịt khăn, chống gậy, quì lạy như cha ruột mình đã mất. Bù lại nhiệm vụ để tang ấy, sau này đứa con trai của Ông hưởng chút ít đặc quyền, ăn trên ngồi trước dịp tế lễ. Lễ tôn thờ cá Ông phổ biến ở Đông Nam Châu Á. Gần Nam Cực đầy băng giá, lắm khi cá Ông đi lạc đến Quảng Bình, có lẽ là ranh giới cuối cùng của vùng biển nóng. Ở xứ lạnh, việc săn cá voi trở thành một ngành khai thác đặc biệt về hải sản, trang bị kiểu tàu riêng, cá bị bắn với mũi tên tẩm thuốc rồi trục xác lên tàu, có bộ phận công nhân chuyên xẻ thịt, lấy mỡ. Các nước tiên tiến đã mở nhiều hội nghị quốc tế để hạn chế tối đa việc săn bắt này, nhằm bảo vệ một loại thú ngày càng quí hiếm. Theo khoa học, cá Ông được liệt kê vào loại thú có vú, cá con bú sữa mẹ mà trưởng thành. Lại phân biệt nhiều thứ gọi là cá voi. Thí dụ như người Việt phân biệt cá Nhà Táng, đầu vuông, vòi xịt nước lên (gọi lên dọi) chia hai, đi xéo, trong khi cá voi thứ thật thì xịt vòi nước thẳng lên cao. Khi thấy xác cá trôi vào bờ, bất chấp cá Nhà Táng hoặc cá Voi, ngư phủ mừng vì được cơ hội tốt thờ cúng với hiện vật, thay vì thờ trừu tượng. Ở Vàm Láng, dạo trước đã gặp khúc giữa của con cá Ông trôi dạt, sau này, lại gặp được xác một con cá nhỏ, trôi vào bờ, chôn lấy cốt. Hàng năm, đêm rằm 16 tháng 6 âm lịch, cử hành lễ cúng. Lễ này tùy địa phương, sai biệt về ngày tháng, căn cứ vào ngày gặp cá trôi vào bờ. Nha Trang, vị trí thuận lợi hơn, cá Ông trôi vào nhiều hơn. Đồng bào quen gọi tôn cá Ông là “thủy tướng”, là “ông Nam” tức Nam Hải Đại Tướng Quân, tước của nhà vua phong cho. Nhờ tước ấy, ta thấy ở đình thờ Thành Hoàng trong đất liền khi đọc văn chúc dịp Kỳ yên, Nam Hải Tướng Quân được thỉnh về và thờ ở Bàn Hội Đồng, như là khách danh dự của buổi tế, mặc dầu làng ấy chỉ làm ruộng rẫy xa biển. Trên nguyên tắc lớn, sau này thêm bớt chút ít về chi tiết, việc tế cá Ông giống như tế thần Thành Hoàng ở làng, do triều đình quy định: Phải cử hành lễ dâng ba tuần rượu, không được dâng một lần hoặc hai lần, hoặc bốn lần. Đúng ba tuần rượu. Ai làm sai trái thì bị xem như muốn đảo ngược kỷ cương triều đình và bị trị tội nghiêm khắc. Dầu cho xác cá trước kia được vớt lên bờ lúc nào, lễ tế vẫn cử hành vào lúc nửa đêm, với ý nghĩa tế Trời, qua sự “tiếp vận” của Thủy tướng (cá Ông). Theo quan niệm cũ, cá Ông thừa lệnh Trời để cứu ngư phủ. Đó là ơn của Trời. Ngư phủ không được quyền tế Trời trực tiếp. Tế trực tiếp là đặc quyền của nhà vua gốc là con Trời (Thiên tử). Vua đứng trên đàn Nam Giao ở kinh đô, nhìn lên bầu trời bao la mà làm lễ, quì lạy. Đàn là mô đất bên dưới hình vuông (đất vuông), đàn mà vua đứng đắp hình tròn (trời tròn). “Thiên sinh ư Tý”, cúng tế Trời, khi Trời vừa xuất hiện, thuở khai thiên lập địa. Trước đó, cần chuẩn bị để tập hợp đồng bào địa phương, gây không khí hào hứng, nhắc nhở sự đoàn kết giữa người còn sống và những người đã mất. Giới ngư phủ rất nhạy bén trước những may rủi. Ngoài biển khơi, con người như cô độc, thông tin để cứu cấp khó khăn, nhiều người đã hy sinh từ bao thế hệ. Bởi vậy, từ 2 giờ khuya, trước khi hành lễ chính thức, bày lễ cầu an với nhà sư rước từ chùa Phật để tụng kinh gõ mõ, lại bố trí một giàn cao, kiểu cúng rằm tháng bảy. Đặt bánh trái linh tinh, mục đích là cúng cô hồn, nhiều người hảo tâm mang đến bánh kẹo, chuối, mía, hoặc giấy tiền vàng bạc. Tụng kinh xong, phân phát những món đã cúng ấy cho trẻ con; người lớn tuổi tránh không dám đụng những món này vì là thức ăn mà người cõi âm hưởng rồi, ăn vào là xui xẻo. Riêng trẻ con thì khác, với tâm hồn ngây thơ, chúng được Trời Phật ban ơn huệ riêng, cứ ăn, không sao cả. Bởi vậy, trong dân gian, dịp lễ này trẻ em được người lớn gọi đùa là “cô hồn sống”. Nửa đêm, 12 giờ khuya là giữa giờ Tý, giờ thời xưa tính ra 2 giờ ngày nay. Chờ quá nửa đêm, làm lễ tế chính thức, tin rằng bấy giờ Trời đã xuất hiện, rồi làm lễ nghinh Ông (nghinh là đón mừng, kính trọng) vào lúc ấy là thuận lợi nhất. Tuy trong miếu thờ cốt cá Ông, nhưng vì Ông ở ngoài biển nên phải ra biển, bố trí chiếc ghe khá to, trang hoàng nào cửa vòng nguyệt kết với lá dừa, thêm bông hoa tươi như bông bụt, bông lồng đèn, kết hoa văn tùy thích, hoặc treo bảng ghi “Lễ tạ ơn Thủy tướng”, bàn thờ đưa xuống ghe, hạn chế số người vì đã chật ních nào ban nhạc lễ, nào lễ sinh, hương chức phụ trách tế lễ, các ông kỳ lão, các vị Mạnh Thường Quân, thêm trống chầu, mõ, chiêng, phẩm vật, không thể thiếu một con heo sống hoặc đơn giản hơn có con heo quay. Thế là ghe rời bến. Lễ cử hành như ở đình làng, đèn cháy sáng, nhang khói nghi ngút, lễ sinh bước tới lui dâng ba tuần rượu, đọc văn chúc, tạ ơn Thủy tướng, nếu khá giả, rước thêm đào thài, tức là những cô gái trẻ đội mão, mặc áo đẹp như những nữ tỳ phục vụ vua chúa trong cung điện. Các cô hát, lời lẽ nhằm ca ngợi món rượu ngon, hương thơm. Từ trong bờ nhìn ra thấy đèn sáng choang, nghe tiếng trống, tiếng chiêng. Chiếc ghe quả đóng vai trò một ngôi miếu nổi giữa trời biển bao la. Tế xong, ghe trở về. Quang cảnh trên bờ náo nhiệt hơn bao giờ hết, có thể nói rằng lễ nghinh Ông vui vẻ quan trọng không kém ngày tết Nguyên Đán. Ghe chưa vào vàm, hai bên bờ ngư phủ đã chuẩn bị đón, thời xưa đốt pháo không dứt tiếng, mỗi ghe lưới lớn nhỏ đều trang hoàng, sang trọng nhất là đặt bàn hương án, với chân đèn, lư nhang, bông hoa, trái cây, có tiền thì xài đèn măng-xông, hoặc đèn giấy; chủ ghe và ngư phủ đứng kính cẩn chắp tay xá. Nhiều thuyền câu nhỏ, tuy thiếu phương tiện, cũng thắp đèn dầu, đèn bão, hoặc dùng đuốc lá dừa, đuốc đèn chai (thời trước, dùng dầu chai tẩm vào vỏ tràm, bó lại như cây đuốc, dân miền biển mua đèn chai để bắt ba khía). Ghe cặp bến, chân đèn và lư được đưa lên miếu. Bấy giờ, cũng như ở đình làng, ban hát bội chờ sẵn, trước khi diễn, làm lễ xây chầu. Ông kỳ lão lớn tuổi, quắc thước, khăn đen áo dài, cầm roi trống, khấn vái Thủy tướng và Trời Đất, đánh những hồi trống theo bài bản, đếm từng tiếng, khuấy đọng bầu không khí cũ, tạo ra không khí mới cho cả vùng. Trống đánh nhằm cầu bình an cho bá tánh, ngư nhân đắc lực, tiếng đánh lúc đầu nhỏ, nhưng lần hồi thúc lại, càng lúc càng to, trước khi dứt một hồi, theo nghĩa “tiền bần hậu phú”. Sau đó, đến phần trình diễn Đại bội, theo nghi thức ở đình làng. Diễn viên hát bội trình diễn những hoạt cảnh, kèn trống rập ràng. Bắt đầu là ông Bàn Cổ cầm nhang, vẽ bùa, mở ra trời đất. Kế đến một nam một nữ ra múa, tượng trưng cho khí âm khí dương. Âm dương tạo ra muôn loài, trong đó có tam tài, tức là trời, đất và con người, để hoạt cảnh được vui. Con số ba này gồm hình tượng ba vị thần Phước, Lộc, Thọ hóa trang như trong tượng sành sứ ta thường thấy. Kế đến Tứ Thiên Vương, bốn vị tướng giữ bốn cửa trời tạo ra mưa gió, sấm sét, lửa... nhờ điều hòa những yếu tố này mà mưa gió thuận hòa, ích lợi cho nhà nông khi làm ruộng, cũng như mưa gió ngoài biển được thuận lợi, đánh bắt hải sản dồi dào. Đến Ngũ Hành, tức là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Thổ là người kép đứng giữa, bốn cô gái tiêu biểu cho bốn hành còn lại, hoặc giải thích là bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Sau chót là hát bội. Tuồng tích nhằm ca ngợi trung hiếu, tình và hiếu vẹn toàn, không phụ bạc kẻ nghèo, vợ chồng ăn ở chung thủy. Ở miền Trung, giữ đúng tục xưa, thêm màn hát bội ngắn, diễn lại sự tích “Cá Ông cứu dân”. Vài người đóng vai ngư phủ, một người đóng vai chèo dọc (chỉ huy), thấy cá Ông từ phía xa, đón mừng, tạ ơn... Dùng kèn trống và các điệu hát Nam Bắc của tuồng hát bội. Thời xưa, dịp “Nghinh Ông”, dân chài lưới ăn xài thỏa thuê. Nghề đánh bắt khó chủ động về thu hoạch, có tiền thì xài, hết thì thôi. Gặp vận may, “bà cậu độ” bỗng dưng kẻ không tiền trong phút chốc trúng mẻ lưới to. Bởi vậy, dịp này thường bày ra cờ bạc công khai, lãng phí. Nay xem trong cuộc sống mới, lễ nghinh Thủy tướng được xem như ngày truyền thống của ngư dân. Nguồn tin : Sơn Nam | ||