Đôxtôiépxki là nhà văn mà sáng tác viết ra càng về sau càng được nhiều người yêu thích. Một “hiện tượng” như thế chỉ dành riêng cho những tài năng vĩ đại, mà ngay các tài năng vĩ đại không phải ai cũng có được. Bộ toàn tập của nhà đại văn hào gồm 30 quyển. Những bộ tiểu thuyết lớn của ông đến năm 1971 đã được dịch ở 22 nước. Riêng ở Nga: 16 triệu 175 ngàn bản. Dù ở đâu tác phẩm của nhà văn cũng được coi là di sản của văn hóa nhân loại. Đôxtôiépxki đã có những khám phá, phát hiện ngay trên những lục địa quen thuộc, thăm dò được những vùng sâu kín của tâm hồn con người. “Với việc làm của mình, ông đã đưa cái mới vào giáo dục thẩm mỹ của cả một thời đại. Trong tác phẩm của ông, tư tưởng nghệ thuật đã có thể thâm nhập vào đáy sâu của tư chất, tâm tính và những phản ứng nội tâm của con người trong quan hệ với thực tại” (Aimatốp). Đôxtôiépxki không còn nhưng tình thương của ông đối với con người, nhất là những con người bị cuốn vào cơn lốc của một xã hội độc ác thì vẫn còn đó. Còn đó nỗi đau khổ, lo lắng cho loài người bị những bi kịch, những mâu thuẫn dày vò, làm tổn thương. Năm 1845 ông cho ra đời truyện vừa “Dân nghèo”. Nhân vật của ông - Maca Đêvuskin và Varenka Đôbrôxêlốp - là những người phải sống trong đói nghèo, cùng khốn. Những con người ở “đáy cùng” ấy bị coi như “đám giẻ rách” luôn bị bao vây bằng những cái nhìn khinh bạc, rẻ rúng. Có ý thức sâu sắc về nhân phẩm và biết giữ gìn nó ngay cả khi có kẻ vùi dập, cho nên họ thấy bị tổn thương. Nhà văn đã chỉ ra sự tàn nhẫn của chế độ hiện hành còn đáng kinh khủng hơn sự nghèo đói. Nhêcơrátxốp và Bêlinxki - các lãnh tụ của văn học Nga bấy giờ - đã đánh giá cao. Ngoài văn chương Đôxtôiépxki còn tham gia vào hoạt động của nhóm Pêtrêsépxki, nhóm của những người theo học thuyết Phuriê. Khi chế độ quân chủ ở Pháp bị tấn công, Nga hoàng Nicôlai I kinh hoàng, ra lệnh thẳng tay khủng bố những nhà cấp tiến Phuriê. 21 người, trong đó có Đôxtôiépxki bị đưa ra pháp trường. Đến tận khi lính giương súng ngắm vào họ chờ bóp cò mới có lệnh ân giảm. Sau giây phút đáng kinh hoàng ấy, nhà văn phải kéo lê xích sắt 4 năm liền trong các nhà tù khổ sai. Tiếp đó là 5 năm đầy cực hình của đời lính. Không đổ ngã, năm 1861 ông viết “Bút ký nhà chết”. Ghécxan gọi đó là “cuốn sách rợn người” và so sánh với “Địa ngục” của Đăngtơ và “Ngày phán xử cuối cùng”, tranh của danh họa Mikenlăng. Sau đó 5 năm, Đôxtôiépxki cho ra đời một tác phẩm làm người đọc sửng sốt, kinh ngạc: “Tội ác và trừng phạt”. Tác phẩm có một nội dung xã hội hết sức sâu sắc và một sức truyền cảm hết sức mạnh mẽ. Ông miêu tả trong tác phẩm không chỉ những con người bị xã hội giày vò mà cả những con người đã cảm thấy rõ rệt quyền lực dã man của đồng tiền. “Ai cũng cần phải có nơi để đến”. Thế nhưng “đã đến lúc không có nơi nào để đến” (Mácmêlađốp). Tiếng tăm của nhà văn lừng lẫy. Nhưng tiếng tăm không cứu được nhà văn ra khỏi thảm kịch. Nghèo đói giày vò. Chứng động kinh không chịu buông tha, nhất là sau cái chết của người vợ nghèo mắc bệnh lao. Đôxtôiépxki lấy người thư ký trẻ hơn ông 26 tuổi. Vợ chồng nhà văn phải trốn khỏi nước Nga vì nợ nần, sống lưu vong ở Đức, Pháp, Anh, Ý. Đứa con vừa sinh chỉ sống được vài ngày. Vào tuổi 50 nhà văn trở lại nước Nga trong cảnh già nua và bệnh tật. Sau “Tội ác và trừng phạt”, “Con bạc”, “Thằng ngốc”, “Vị thành niên”, “Lũ quỷ” lần lượt ra mắt người đọc. Trong “Thằng ngốc”, xã hội hiện lên đầy những xung đột, những âm mưu, thói hám lợi, vị kỷ. Những hố sâu chia cắt con người ở những phân tầng địa vị xã hội ngày càng rõ. Chủ đề cái đẹp bị lăng nhục là chủ đề lớn trong tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Năm 1880, Đôxtôiépxki bắt tay vào viết cuốn “Anh em nhà Caramadốp”, cuốn sách có quy mô nghệ thuật đồ sộ miêu tả những đam mê nghệ thuật của con người không chỉ nhìn từ hiện tại mà nhìn cả từ nhân loại trong tương lai. Đó là cuộc xóa bỏ tính người. Xmadiacốp căm ghét con người, không trừ họ hàng ruột thịt, không trừ cả cha đẻ y. Ivan Caramadốp đã thốt lên một cách đau lòng: “Cả trái đất từ vỏ đến ruột đều ướt đẫm nước mắt con người”. Như một hiền giả từng trải đau buồn, ông nhìn nhân loại khổ đau và đã có lúc suy nghĩ thầm kín: Phải chống cái ác. Ông định viết tập 2 nhưng cái chết đã không cho nhà văn thực hiện cuốn sách của mình. Có nhiều điều rất phức tạp trong thế giới quan, trong thế giới nghệ thuật của Đôxtôiépxki, nhưng cho dù thế nào không phủ nhận được ông là một nghệ sĩ lớn, một nhà tâm lý thiên tài, một nhà nhân văn sâu sắc. Vào những ngày cuối đời, Đôxtôiépxki có một lời tâm sự: “Mặc dầu tất cả mọi sự mất mát, tôi vẫn yêu đời nồng nhiệt, yêu đời vì đời, và, thật vậy, tôi vẫn đang sửa soạn bắt đầu cuộc đời của mình... Đó là đặc điểm chính trong tính nết của tôi và có lẽ cũng là trong hoạt động của tôi”. Đó là một bộc bạch chân thành, cảm động. | ||