(Soha.vn) - "Có những khi ngón chân rướm máu, chân tay ê buốt, về đến nhà là kiệt sức... tôi cảm giác như muốn từ bỏ tất cả mọi thứ để được thảnh thơi"Sinh năm 1993, Trương Cẩm Anh bắt đầu học múa từ năm 11 tuổi theo định hướng của bố mẹ. Đến với nghệ thuật múa bằng sự tò mò và háo hức của một đứa trẻ, cô gái nhỏ ngày ấy không ngờ rằng có quá nhiều khó khăn đang chờ đợi ở phía trước. Nếu bạn bè đồng trang lứa có nhiều thời gian để vui chơi thì Cẩm Anh lại phải cặm cụi để hoàn thiện từng động tác trên đôi giày ballet không ít lần khiến đôi chân cô rướm máu.Khó khăn, vất vả khiến Cẩm Anh đôi khi cảm thấy chùn chân, muốn đầu hàng. Cô muốn xa rời múa, xa rời môn nghệ thuật tuyệt đẹp nhiều lần khiến cô ngất xỉu trên sàn tập. Nhưng mỗi lần có ý định bỏ cuộc là một lần Cẩm Anh nghe được rất nhiều lời động viên từ bố mẹ và các anh chị đi trước. Cẩm Anh tâm sự, có lẽ suốt đời này cô sẽ gắn bó với nó vì mỗi lần rời xa, cô lại cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Múa đối với cô bây giờ không còn là nghề, là đam mê mà đã trở thành cái nghiệp. Thế nên dù bản thân có đôi lần mong muốn rời xa, cô vẫn chẳng thể nào làm được. Giờ đây, sau 10 năm khổ luyện với nghề, Cẩm Anh hoàn toàn tự tin khi thể hiện mình trên sân khấu. Cô nhận được rất nhiều lời mời cho những chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước. Hãy cùng theo chân cô gái trẻ đến một chương trình của Đài truyền hình để biết nhiều hơn về công việc của những diễn viên múa sau những tuyệt vời họ cống hiến trên sân khấu. Đến Đài truyền hình để quay cho một chương trình sức khỏe, hành trang của một diễn viên múa như Cẩm Anh chỉ là những túi đồ nhỏ, giản dị hơn những gì người xem vẫn nghĩ. Hôm nay, Cẩm Anh sẽ cùng bạn diễn nam múa một trích đoạn trong vở Hồ thiên nga. Đối với những diễn viên múa, chai xịt giảm đau là một trong những người bạn thân thiết. Vì nghệ thuật múa ballet đòi hỏi người múa phải đứng trên mũi chân khá nhiều nên họ phải xịt thuốc giảm đau lên chân trước khi lên sân khấu để giảm thiểu đau đớn trong quá trình thể hiện. Tất chân là một trong những phụ kiện không thể thiếu của diễn viên múa. Nó giúp che đi những vết bầm tím trên đôi chân trong quá trình tập luyện. Cẩm Anh tâm sự, trang phục múa cô phải mượn của đoàn và phần lớn những trang phục này đều đã được sử dụng quá nhiều dẫn đến nhàu nhĩ, cũ. Đôi giày ballet được Cẩm Anh nâng niu gói trong một cái túi nhỏ. Nó không còn mới nhưng đối với cô cũng là người bạn thân thiết. Nếu ở nước ngoài, những diễn viên múa rất được trân trọng. Chỉ cần gật đầu tham gia một chương trình, họ sẽ được chăm lo từ phục trang cho đến trang điểm thì ở Việt Nam, những diễn viên múa phải tự lo liệu tất cả. Cẩm Anh tự trang điểm cho bản thân trước khi bước lên sân khấu. Đã quen với công việc này nên cô gái 21 tuổi chưa bao giờ cảm thấy chạnh lòng, ngược lại lúc nào cô cũng vô cùng rạng rỡ. Nhiều người biết rằng những diễn viên múa ballet có giày thửa riêng cho họ nhưng không phải ai cũng có cơ hội nhìn thấy quá trình mang giày vào chân của một diễn viên múa. Miếng lót mũi bằng cao su được Cẩm Anh cầm trên tay là một trong những vật dụng cần thiết để giúp đôi chân cô đứng vững trên sàn múa. Sau khi cô mang lót mũi vào chân, bước tiếp theo mới đến đôi giày vải bên ngoài. "Những ngày đầu mới tập ai cũng phải trải qua rất nhiều đau đớn, chuyện chảy máu cũng là điều bình thường", cô gái trẻ chia sẻ. Giờ đây, khi đã quá quen với giày múa, Cẩm Anh thỉnh thoảng vẫn gặp rắc rối với người bạn thân thiết này. Nữ diễn viên 21 tuổi khởi động trước khi bước lên sàn diễn. Những động tác này sẽ giúp cô hạn chế rủi ro trong suốt quá trình múa. Đứng trên mũi chân, một trong những động tác đầu tiên một diễn múa ballet phải thuần thục. Vì không có người lo phục trang nên những diễn viên thường phải tự giúp nhau. "Bao giờ mình nổi tiếng sẽ có người xách đồ cho, giờ thì cứ thế này đã", cô gái trẻ vừa cười vừa nói. Cùng bạn diễn tập lại một vài động tác trước khi đứng trước ống kính máy quay. Vì tham gia một chương trình sức khỏe nên ngoài việc múa, Cẩm Anh còn phải trả lời một vài câu hỏi liên quan đến căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Sợ quên, cô gái trẻ phải chép vào sổ tay và học lại trước khi quay. Thời gian chuẩn bị trước khi lên sóng khá lâu nên cô gái trẻ cũng cảm thấy mệt mỏi vì chờ đợi. Cô tranh thủ nghỉ mắt trong chốc lát. Cẩm Anh tâm sự, đối với một diễn viên múa, điều sợ nhất là khi bước lên sàn trơn. Vì khi đó, họ dễ gặp những sự cố ngoài ý muốn. Và ngày hôm đó, Cẩm Anh cũng không thoát khỏi nỗi sợ hãi này. Trong khi múa với bạn diễn, cô đã bị ngã vì sàn quá trơn. Cẩm Anh nhăn nhó vì đôi chân bị đau sau sự cố. Cô nhận được sự quan tâm của người bạn nam diễn cùng. Đó chỉ là một trong những sự cố mà các diễn viên múa thường gặp phải. Những vết thương dù lớn dù nhỏ vẫn tác động rất lớn tới đam mê của những người làm nghề. Vậy nên, phải yêu múa lắm, phải xem nó là dòng máu đang chảy trong huyết quản, họ mới có thể quyết liệt tới cùng. "Có những khi ngón chân rướm máu, chân tay ê buốt, về đến nhà là kiệt sức... tôi cảm giác như muốn từ bỏ tất cả mọi thứ để được thảnh thơi", cô gái trẻ gạt đau đớn chia sẻ. "Động lực lớn nhất để tôi tiếp tục theo nghề đó chính là cảm giác hạnh phúc khi được đứng trên sàn diễn và cảm nhận rõ nét hơn cái đẹp của nghề múa" Tự tin khi múa là thế nhưng đến phần giao lưu, Trương Cẩm Anh lại lúng túng như gà mắc tóc. Cô gái trẻ tỏ ra ngượng ngùng khi được hỏi những câu đầu tiên có liên quan tới chương trình. Hoàn thành xong chương trình, nữ diễn viên lại một mình thay đổi phục trang để chuẩn bị ra về. Công việc của diễn viên múa là thế, dù đau đớn, dù áp lực, dù phải chờ đợi, dù phải chấp nhận không ít rủi ro nhưng có đam mê và hy vọng, bất kỳ ai cũng sẽ như Cẩm Anh, sẽ trung thành với con đường đã chọn. Nguồn soha.vn/cu-dan-mang/nhung-dau-don-va-nuoc-mat-dang-sau-canh-ga-cua-nu-sinh-truong-mua-20140728232133192.htm | ||